07:07 19/06/2011

Tầm nhìn xa Việt Tiến

Sự thành công của VTEC là sự đúc kết từ 3 yếu tố: “Tâm, Tầm và Thương hiệu”

Sau 36 năm nỗ lực phấn đấu, từ một nhà máy nhỏ chỉ có 60 lao động và hơn 100 thiết bị may lạc hậu, đến nay Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến (VTEC) đã trở thành một doanh nghiệp hàng đầu của ngành dệt May Việt Nam và đang hướng tới tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa sở hữu.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Việt Tiến có thể thấy sự thành công của VTEC là sự đúc kết từ 3 yếu tố: “Tâm, Tầm và Thương hiệu”.

Tầm nhìn xa

Trước đây, khi dự báo Hiệp định đa sợi (MFA) sẽ kết thúc vào thời điểm đầu năm 2005, Việt Tiến đã chuẩn bị xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh toàn diện với tầm nhìn xa. Và thời gian đã khẳng định sự đúng đắn của chiến lược kinh doanh này.

Trong chiến lược kinh doanh của Việt Tiến, con người là yếu tố quan trọng nhất. Việc xây dựng nguồn nhân lực năng động trong các lĩnh vực quản lý điều hành, quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn và đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề luôn được công ty quan tâm hàng đầu. Đặc biệt đối với công nhân, tổng công ty không đào tạo đại trà mà đào tạo trên từng cụm công việc, nhằm chuyên môn hóa và tiếp thu được dây chuyền công nghệ mới.

Ngoài việc tập trung cho nguồn nhân lực, Việt Tiến luôn đi đầu trong việc nghiên cứu và mạnh dạn áp dụng công nghệ mới, đầu tư ứng dụng công nghệ Lean Manufacturing. Việt Tiến cũng đã đầu tư thiết bị hiện đại vào sản xuất như hệ thống giác sơ đồ/trải vải/cắt tự động, hệ thống dây chuyền sản xuất tự động cùng các loại máy móc thiết bị chuyên dùng hiện đại khác như máy mổ túi tự động, máy tra tay, máy lập trình…

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đang chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận các chương trình đầu tư về thiết bị và công nghệ của Tập đoàn South Island, của các Tập đoàn Nhật Bản như: Itochu, Misubishi, Maruberni, Sumitomo, Sandra. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng được tăng lên rõ rệt, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và thị trường.

Nâng tầm thương hiệu

Việt Nam gia nhập WTO, với Việt Tiến, xây dựng và bảo vệ thương hiệu là chuyện sống còn. Các thương hiệu như: Việt Tiến, Vee Sendy, T-up, Vie Laross đã được công ty tiến hành đăng ký bảo vệ thương hiệu của mình tại các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Canada thông qua một công ty xúc tiến thương mại phát triển của Nhật Bản. Việt Tiến cũng tiến hành xây dựng thương hiệu của mình tại 6 nước trong khối ASEAN là Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei.

Đồng thời, tiếp tục đăng ký thương hiệu của mình tại các nước châu Âu và sẽ kết hợp với Hội Luật gia Hà Nội để đẩy mạnh hoạt động chống hàng gian, hàng giả, làm mất uy tín thương hiệu của mình. Đặc biệt sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Tiến đã có mặt trên thị trường quốc tế và khu vực như Lào, Campuchia... Dự kiến trong năm nay sản phẩm của Việt Tiến sẽ có mặt tại thị trường Trung Quốc.

Tổng giám đốc VTEC, ông Bùi Văn Tiến, cho biết năm 2011, Việt Tiến tiếp tục khẳng định là đơn vị tiên phong với mục tiêu chính là tăng năng suất lao động từ 15-20%, ra mắt thương hiệu sản phẩm mới cao cấp “Cammelia”, tiếp tục chuyển đổi phương thức kinh doanh từ hàng gia công sang hàng FOB nhằm tăng thêm giá trị gia tăng.

Và chữ tâm của một doanh nghiệp lớn

Không chỉ thành công trong lĩnh vực kinh doanh, Việt Tiến còn được biết đến là doanh nghiệp rất có tâm với cộng đồng. Hàng năm cán bộ công nhân viên Việt Tiến phát động một ngày lao động tình nguyện để trích tiền tham gia từ thiện xã hội. Năm 2010, Việt Tiến đã ủng hộ các quỹ từ thiện, nhân đạo của các tỉnh trong cả nước với số tiền là 1,736 tỷ đồng.

Với chữ “Tâm, Tầm” trong kinh doanh và đặc biệt chú trọng tới việc nâng tầm thương hiệu của mình, năm 2010, mặc dù tình hình ngành dệt may trong cũng như ngoài nước còn nhiều khó khăn nhưng Việt Tiến đã đạt được kết quả đáng tự hào.

Doanh thu đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2009 (trong đó, công ty mẹ đạt gần 2.300 tỷ đồng, tăng 19 %). Lợi nhuận trước thuế đạt trên 300 tỷ đồng, tăng 38%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 300 triệu USD. Thu nhập của người lao động tăng 30% so với năm 2009.