Tạm thời không xem xét việc cấp phép mới cơ quan báo chí
Sáng 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội
Theo chương trình chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, sáng 8/11 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn và đây cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng trả lời chất vấn Quốc hội.
Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong đó có việc cấp, thu hồi các loại giấy phép trong hoạt động báo chí và thẻ nhà báo tại nhóm vấn đề chất vấn về "Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo", đã được Bộ trưởng gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tính đến nay cả nước có 844 cơ quan báo, tạp chí in; 24 cơ quan báo, tạp chí điện tử độc lập; có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình, với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 279 kênh, 70 kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập, biên dịch.
Có 36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, trong số đó, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet chiếm 20/36 doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Hùng, số người làm việc trong lĩnh vực báo chí: 41.600 người (phát thanh, truyền hình: 17.600; báo in, báo điện tử: 24.000). Đến thời điểm hiện tại Bộ đã cấp 23.402 thẻ nhà báo.
Đáng chú ý, tại báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, trong quá trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông tạm thời không xem xét việc cấp phép mới cơ quan báo chí; chỉ cấp phép cho một số cơ quan báo chí đang hoạt động thực hiện thêm loại hình báo chí, số liệu cơ quan báo chí thay đổi không nhiều.
Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang đôn đốc, hướng dẫn thủ tục, xem xét việc thu hồi, cấp giấy phép đối với các cơ quan báo chí thực hiện quy hoạch, như chuyển cơ quan chủ quản; chuyển từ cơ quan báo thành cơ quan tạp chí; sáp nhập, tổ chức lại các cơ quan báo chí.
Về giải pháp thời gian tới, người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho biết, từ nay đến cuối năm 2019, Bộ sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Báo chí năm 2016 để đánh giá về quá trình triển khai, thi hành Luật, từ đó xem xét, đề xuất sửa đổi Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn phát triển của báo chí và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước trong tình hình mới.
Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí triển khai đúng lộ trình Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Đồng thời triển khai nghiên cứu, thực hiện tốt cơ chế đặt hàng báo chí từ nguồn Ngân sách nhà nước, có cơ chế hỗ trợ các cơ quan báo chí tối ưu hóa chi phí đổi mới công nghệ (hỗ trợ băng thông, đường truyền internet, hỗ trợ thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ.
Ngoài ra Bộ Thông tin và Truyền thông cũng trình Chính phủ một số đề án như: Đề án Nâng cao chất lượng ấn phẩm báo chí đối ngoại bằng tiếng nước ngoài; Đề án thí điểm hỗ trợ phát triển báo (tạp chí) in, báo điện tử của người Việt Nam tại khu vực trọng điểm ở nước ngoài; Nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình…