Tăng cường thanh tra chuyên ngành, xử lý lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội
Từ nay đến cuối năm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành
Từ nay đến cuối năm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý khi có dấu hiệu trốn đóng, nợ đóng, lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời hoàn thành công tác rà soát, bàn giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Đặc biệt, đẩy mạnh kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, kiên quyết từ chối thanh toán đối với những chi phí bất hợp lý, không đúng quy định.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong thời gian tới. Hiện tại bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang tập trung chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh tích cực tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đối tượng; thu đúng, đủ, kịp thời, giảm nợ đọng; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Đồng thời ngăn ngừa hành vi trục lợi; đảm bảo cân đối quỹ; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ giao.
Các chỉ tiêu đều tăng
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, 9 tháng đầu năm, tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 238.227 tỷ đồng, đạt 72,2% kế hoạch năm. Số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi là 6.457 tỷ đồng, chiếm 3,4% kế hoạch thu.
Đến hết tháng 9/2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 14,31 triệu người, trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc là 14,06 triệu người (đạt 95,5% kế hoạch năm), bảo hiểm xã hội tự nguyện là 247.000 người (đạt 74,6% kế hoạch năm); 12 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt 93,3%); 82,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 87,6% dân số (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).
9 tháng qua, toàn ngành đã thực hiện giải quyết cho 93.812 người hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2017; 534.038 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2017; có 7.311.377 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017; 412.473 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017; 20.378 người hưởng chi phí hỗ trợ học nghề, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2017; 131,4 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Toàn ngành cũng đã thực hiện cấp sổ bảo hiểm xã hội cho 14,22 triệu người, đạt 99,4% số người tham gia bảo hiểm xã hội; đã bàn giao 12.937.930 sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, đạt 99,58% tổng số sổ bảo hiểm xã hội phải bàn giao.
Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 82,3 triệu người, trong đó, đã cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế theo mã số bảo hiểm xã hội cho 78,65 triệu người, đạt tỷ lệ 99% tổng số người tham gia đã có mã số bảo hiểm xã hội.
Không để tình trạng nợ đọng kéo dài
Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2018, ngành bảo hiểm xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan quyết liệt tập trung các giải pháp giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết các chế độ, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đúng quy định pháp luật. Theo đó, đến hết tháng 8, đã thanh kiểm tra tại 11.759 đơn vị (thanh tra chuyên ngành tại 4.253 đơn vị; kiểm tra 5.038 đơn vị; thanh tra liên ngành 2.465 đơn vị).
Qua công tác thanh, kiểm tra đã phát hiện 24.589 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng 53,5 tỉ đồng; 30.631 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 34,4 tỉ đồng. Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ lên tới 1.575 tỉ đồng; số tiền nợ sau thanh tra, kiểm tra còn 752,2 tỉ đồng.
Để thực hiện tốt những chỉ tiêu, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu toàn ngành cần đồng lòng quyết tâm cao hơn nữa trong việc nâng cao đạo đức công vụ, củng cố vững chắc nghiệp vụ chuyên môn và tiếp tục chủ động ứng dụng, tận dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ của ngành, nhằm hoàn thiện mục tiêu "Xây dựng ngành bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp".
Bà Minh nhấn mạnh, nhiệm vụ của ngành bảo hiểm xã hội đang quán triệt thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, hướng tới sự an tâm, tin tưởng, hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết xử lý, kỷ luật các tập thể, cá nhân gây sách nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính hoặc có tinh thần, thái độ phục vụ chưa tốt với người dân và doanh nghiệp.
Nhấn mạnh những vấn đề nóng mà toàn ngành cần phải quyết liệt vào cuộc xử lý, bà Minh yêu cầu lãnh đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố dù khó khăn đến mấy cũng phải quyết tâm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; giảm tỉ lệ nợ đọng xuống mức thấp nhất.
Đặc biệt, giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh cần chủ động phối hợp với ngành y tế kiến nghị những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách với lãnh đạo tỉnh; quan tâm hơn nữa công tác chi trả các quỹ ngắn hạn. Một trong những nguyên tắc thực hiện tốt nhiệm vụ, đó là vừa hợp tác, vừa đấu tranh để quản lý tốt nguồn quỹ.