Tăng liền 8 phiên, giá dầu cao nhất gần 1 tháng
Giá dầu WTI tăng 5,2%, giá dầu Brent tăng 4,6% trong phiên ngày thứ Tư
Giá dầu thế giới tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, đánh dấu phiên tăng thứ 8 liên tục và đạt mức cao nhất trong gần 4 tuần.
Nâng đỡ cho giá "vàng đen" phiên này là tâm trạng lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ-Trung, sự giảm sút sản lượng tháng 12 của một số nước sản xuất dầu lớn, và lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm.
"Giá dầu được đẩy lên bởi thông tin Saudi Arabia cắt giảm sản lượng nhiều hơn quy định trong thỏa thuận của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác, cộng thêm triển vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung", chuyên gia kinh tế về năng lượng James Williams thuộc WTRG Economics phát biểu với trang Market Watch. "Một thỏa thuận thương mại sẽ giúp ích cho nền kinh tế Trung Quốc và cải thiện nhu cầu tiêu thụ dầu".
Trong một cuộc trao đổi với tờ báo Financial Times, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih khẳng định quyết tâm "bình ổn" thị trường dầu và nói rằng nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và đối tác đã bắt đầu có tác dụng.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do S&P Global Platts thực hiện, sản lượng dầu của OPEC đã giảm 630.000 thùng/ngày, xuống mức thấp nhất trong 6 tháng là 32,43 triệu thùng/ngày trong tháng 12.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 2,58 USD/thùng, tương đương tăng 5,2%, chốt ở 52,36 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 13/12.
Với phiên tăng này, giá dầu WTI đã thoát khỏi trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), nhờ tăng 23% so với mức đáy của 52 tuần thiết lập vào hôm 24/12, theo dữ liệu của Dow Jones Market Data.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 2,72 USD/thùng, tương đương tăng 4,6%, đạt 61,44 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất của dầu Brent kể từ giữa tháng 12.
Với phiên này, giá dầu WTI và dầu Brent đã có 8 phiên tăng liên tiếp, chuỗi phiên tăng dài nhất trong 18 tháng.
Sau khi kéo dài thêm một ngày, vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã kết thúc ở Bắc Kinh vào ngày thứ Tư. Chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm khi quan chức hai nước cùng thể hiện thái độ lạc quan sau đàm phán, dù kết quả cụ thể còn chưa được công bố chính thức.
Các nhà phân tích thuộc Commerzbank nói rằng niềm lạc quan về thương mại đang là một yếu tố quan trọng hỗ trợ giá dầu. Theo một báo cáo của ngân hàng này, đợt giảm mạnh cuối năm 2018 của giá dầu "không chỉ do thừa cung, mà còn do sự bán tháo trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu bị bán mạnh do lo ngại chiến tranh thương mại sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ và Trung Quốc, kéo theo nhu cầu dầu tại hai quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này".
Một chất xúc tác khác cho giá dầu tăng phiên này là báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 1,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/1. Mức giảm này lớn hơn dự báo giảm 1,4 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.