14:47 01/11/2023

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản với tham vọng doanh thu 853.500 tỷ đồng vào năm 2025

Tùng Thư

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1263/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đến năm 2025…

Ba mảng kinh doanh chính của TKV hiện nay là than, điện, luyện kim.
Ba mảng kinh doanh chính của TKV hiện nay là than, điện, luyện kim.

Theo Đề án, từ nay đến năm 2025, TKV tiếp tục tập trung kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà tập đoàn có lợi thế về công nghệ sản xuất, kết cấu hạ tầng, bí quyết công nghệ, nhân lực và thị trường. Trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thì TKV sẽ từng bước cơ cấu lại tỷ trọng các lĩnh vực theo lộ trình phù hợp, tập trung mọi nguồn lực để tăng năng suất lao động, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, mở rộng kinh doanh những lĩnh vực dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao.

XÂY DỰNG LỘ TRÌNH TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ

Định hướng chung về phát triển kinh doanh là gắn mô hình kinh doanh với sản xuất tạo ra chuỗi giá trị khai thác các khoáng sản đi kèm đất đá thải, nước thải đã qua xử lý, kinh doanh dịch vụ logistic; tăng cường phát triển theo chiều sâu bằng cách áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại.

Từng bước tiến tới liên thông 3 phân ngành kinh doanh chính của TKV là Than - Điện - Luyện kim. Trong đó, tập trung phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao, liên thông các mỏ lộ thiên, hầm lò thành các mỏ có công suất lớn. 

 

Theo Đề án tái cơ cấu, Công ty mẹ - TKV tiếp tục duy trì là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phù hợp Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tập đoàn: Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học công nghệ mỏ, Viện Cơ khí năng lượng và mỏ, Bệnh viện Than - Khoáng sản duy trì, không thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần do không thuộc danh mục ngành, lĩnh vực chuyển đổi thành công ty cổ phần theo Quyết định 26/2021/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng lộ trình và phương án tăng vốn điều lệ phù hợp để đảm bảo cân đối đủ vốn đối ứng cho thực hiện các dự án đầu tư theo kế hoạch đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phấn đấu tổng doanh thu toàn tập đoàn giai đoạn đến năm 2025 đạt 853.500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giai đoạn đến năm 2025 đạt 108.161 tỷ đồng.

CƠ CẤU LẠI DANH MỤC VỐN ĐẦU TƯ VÀO CÁC CÔNG TY CON VÀ LIÊN KẾT

Ngành nghề kinh doanh chính của TKV là Công nghiệp than, Công nghiệp khoáng sản - luyện kim, Công nghiệp điện, Vật liệu nổ công nghiệp.

Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào hoàn thiện thể chế quản lý: Tiếp tục duy trì Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong đó công ty mẹ (TKV) thực hiện đồng thời 2 chức năng chủ yếu gồm: (i) trực tiếp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực; (ii) đầu tư vốn vào các công ty con để các công ty này kinh doanh các ngành nghề, dự án đầu tư mà công ty mẹ không trực tiếp thực hiện; bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên, quản trị đầu tư, quản trị chi phí.

Về xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản của doanh nghiệp, trong đó, cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư vào các công ty con và liên kết. Cụ thể, tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các công ty không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, hoặc thoái một phần vốn ở các công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh chính để chỉ nắm giữ tỷ lệ cổ phần biểu quyết chi phối hoặc phủ quyết tùy theo tính chất quan trọng của từng công ty trong cơ cấu tập đoàn. Sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn để đầu tư phát triển các dự án mới theo quy định của pháp luật.

Thực hiện cơ chế thanh toán tập trung phù hợp với quy định của pháp luật nhằm tập trung nguồn lực, tránh để tiền ứ đọng ở nhiều khâu trung gian trong khi vẫn phải đi vay ngắn hạn cho các nhu cầu chi tiêu, giảm chi phí sử dụng vốn; thực hiện giải pháp dự trữ tiền ở một số đầu mối, giảm dự trữ ở tất cả các đơn vị gây lãng phí vốn.

Điều hòa vốn giữa các đơn vị trong công ty mẹ phù hợp với quy định của pháp luật để nâng cao hiệu suất sử dụng đồng vốn, tránh hiện tượng thừa hoặc thiếu vốn cục bộ, nâng cao vòng quay tiền mặt, giảm chi phí sử dụng vốn.