11:54 13/07/2010

Tập trung kiểm toán 3 nội dung của gói kích cầu

Lê Hường

Tổng kiểm toán Nhà nước nói về nội dung kiểm toán tại gói kích cầu của Chính phủ trong năm 2008-2009

Tổng kiếm toán Nhà nước Vương Đình Huệ.
Tổng kiếm toán Nhà nước Vương Đình Huệ.
Kiểm toán Nhà nước đang thực hiện kiểm toán gói kích cầu của Chính phủ trong năm 2008-2009.

TS.Vương Đình Huệ, Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, đây là kiểm toán chuyên đề nên phạm vi rất rộng, đòi hỏi huy động lực lượng lớn, thời gian dài đủ để có mẫu đánh giá trên cơ sở mẫu đại diện. Dự kiến, mỗi cuộc kiểm toán cần 60-90 ngày.

Thưa ông, kiểm toán gói kích cầu của năm 2008-2009 có vị trí như thế nào trong kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong năm nay?

Trọng điểm của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2010 rất chú trọng đến việc kiểm toán, đánh giá các gói kích thích của Chính phủ nhằm đối phó khủng hoảng kinh tế. Gói kích thích kinh tế của Chính phủ trị giá khoảng 8 tỷ USD đã được tung ra rất đúng lúc nên tạo ra hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách chắc chắn có khó khăn hoặc bộc lộ một số thiếu sót.

Mục tiêu của chúng tôi là phải chứng minh được về mặt định lượng trên cơ sở mẫu chọn đối với hiệu quả của từng gói kích thích kinh tế, từng biện pháp kích thích kinh tế. Mặt khác cũng đánh giá được việc các bộ ngành hướng dẫn các văn bản, chính sách có phù hợp với Nghị quyết 30 của Chính phủ hay không.

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là đánh giá, kiểm tra tình hình thực thi các chính sách này, trên cơ sở đó kiến nghị với Quốc hội để rút kinh nghiệm cho việc điều hành kinh tế trong thời gian tới.  

Theo hướng đó, chúng tôi tập trung 3 nội dung chủ yếu.

Thứ nhất là chuyên đề về huy động, quản lý và sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2007-2009, trọng tâm nhất là năm 2009, năm mà chúng ta sử dụng gói kích thích kinh tế bằng trái phiếu Chính phủ. Thứ hai, tập trung kiểm toán việc thực thi chính sách hỗ trợ lãi suất, dự kiến 17.000 tỷ VND do các tổ chức tín dụng, ngân hàng trực tiếp thực hiện đối với các doanh nghiệp. Thứ ba, tập trung vào gói miễn giảm, giãn và hoàn thuế, quy mô dự kiến khoảng 28.000 tỷ VND.

Hiện các gói kích thích kinh tế đó đã hết hiệu lực nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng một phần của gói kích thích kinh tế đã được sử dụng để “đảo nợ”, vậy các cơ quan kiểm toán có công cụ gì để giám sát và và đánh giá hiệu quả?

Trong hỗ trợ lãi suất, rủi ro luôn hiện hữu. Việc sử dụng hỗ trợ lãi suất để đảo nợ hoặc thậm chí gửi ở một ngân hàng khác với lãi suất cao hơn là một rủi ro có thể xảy ra trong gói này. Ngay từ đầu, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay vốn. Thông qua kiểm toán, tức là hậu kiểm, trên một quy mô mẫu kiểm toán nhất định, chúng ta không chỉ chứng minh được hiệu quả thực tế của gói kích thích kinh tế mà còn có thể phát hiện ra những "phản ứng phụ", những bất cập hay thiếu sót trong quá trình triển khai các gói kích thích kinh tế.

Trong mục tiêu kiểm toán, chúng tôi cũng đặt ra những biện pháp đánh giá rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát của hoạt động này và có những biện pháp kiểm toán phù hợp, không chỉ đối với các tổ chức ngân hàng và tín dụng, mà còn khảo sát và kiểm tra tại các đơn vị được thụ hưởng và sử dụng gói hỗ trợ lãi suất này, tức là các doanh nghiệp.

Dự kiến thời gian nào sẽ hoàn tất việc kiểm toán gói hỗ trợ lãi suất, thưa ông?

Vì đây là kiểm toán chuyên đề nên phạm vi rất rộng, đòi hỏi huy động lực lượng lớn, thời gian dài đủ để có mẫu đánh giá trên cơ sở mẫu đại diện. Dự kiến mỗi cuộc kiểm toán cần 60-90 ngày.

Tuy nhiên, đây không chỉ là một cuộc kiểm toán chuyên đề mà còn cần phải có sự phối hợp của các cơ quan kiểm toán khu vực, khi các đơn vị này kiểm toán ngân sách tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thì cũng có nội dung này. Do đó, việc tổng hợp kết quả kiểm toán chắc phải đến quý 3 mới hoàn thành. Đối với các gói hỗ trợ lãi suất và quản lý sử dụng trái phiếu Chính phủ, dự kiến trong quý 3 sẽ tiến hành.

Ông nghĩ sao khi nhiều doanh nghiệp “kêu ca” là không chỉ phải làm việc với đoàn Kiểm toán Nhà nước mà còn phải tiếp một số đoàn thanh tra, kiểm tra thuộc bộ, ngành khác, rất mất thời gian và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp?

Cần phải hiểu rằng, kiểm toán là hoạt động thường xuyên, nhất là chức năng xác nhận báo cáo tài chính và các quyết toán, đó chính là việc giải tỏa trách nhiệm cho người sử dụng, quản lý và điều hành ngân sách, kinh phí Nhà nước. Nếu người ta thấy được lợi ích của hoạt động kiểm toán, thì hoạt động này trở nên rất thân thiện đối với các cơ quan, tổ chức. Vì thế, hiện tượng "sợ kiểm toán" đang ngày càng giảm đi, và số lượng các yêu cầu kiểm toán ngày càng tăng lên. Số các tổ chức, đơn vị đích thân đặt hàng kiểm toán cũng rất nhiều.

Tuy nhiên, kiểm toán cũng phải có những mục tiêu, chương trình theo từng năm, căn cứ vào điều hành của Chính phủ và kế hoạch giám sát của Quốc hội, không thể thỏa mãn 100% yêu cầu của các đơn vị được.

Một vấn đề rất lớn mà chúng tôi luôn phải tính đến là sự chồng chéo và trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra và điều tra, do vậy phải tăng cường các quy chế phối hợp. Chúng tôi cũng đã có những quy chế liên tịch với các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng có quan hệ gần gũi và thuận lợi giữa Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban kiểm tra Trung ương.

Do vậy, hàng năm, khi đưa ra kế hoạch kiểm toán, bao giờ chúng tôi cũng xin ý kiến của Ủy ban phòng chống tham nhũng Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, thanh tra của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhằm khắc phục một cách tốt nhất sự trùng lắp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra.

Theo Chỉ thị 61 của Thủ tướng Chính phủ, trong một thời điểm chỉ nên có một đoàn thanh tra, kiểm tra tại một đơn vị. Mặt khác, chúng tôi cũng phải tăng cường các phương tiện trợ giúp để đảm bảo cho cuộc kiểm toán diễn ra nhanh nhất và đang từng bước thử nghiệm việc tăng cường thời lượng kiểm toán tại trụ sở cơ quan.