Tết Đoan Ngọ phải ăn bánh gio
Cơm rượu nếp, bánh gio, thịt vịt, trái vải... là những món ăn giết sâu bọ không thể không có trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Một số địa chỉ bán bánh gio ngon tại Hà Nội:
- Trước cửa chợ Hôm, phố Huế. Cuối chợ Hòe Nhai, phố Hòe Nhai.
- Những hàng bán bánh truyền thống tại ngõ chợ Đồng Xuân hoặc chợ Hàng Bè.- Cửa hàng Bánh gia truyền Vạn Thịnh, phố Kim Hoa, Q. Đống Đa.Gọi là bánh gio hay bánh tro vì nước để ngâm gạo làm bánh và nấu bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau. Cũng có nơi gọi loại bánh này là bánh âm vì nó có đặc tính tư âm, bổ âm, do chứa toàn nguyên vật liệu có tính âm (toàn bộ là thực vật và khoáng canxi, kali...).Theo quan niệm dân gian, dịp Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) là lúc tiết trời nóng bức nhất. Đây là lúc chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Trong các tài liệu Đông y từ xưa, các lương y cho rằng bánh tro vị nhạt, tính mát ăn dễ tiêu, thích hợp nhất đối với trường hợp già yếu, trẻ em, có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ (âm hư). Với những người có thể mắc chứng dương thịnh gây âm hư như vào mùa hè mà cực điểm là đầu tháng năm, thì bánh tro giúp cân bằng với các loại thực phẩm nhiều đường mỡ (dương thịnh) ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Bánh tro không những trung hòa bớt độc hại trong ăn uống để bảo vệ sức khỏe trong ngày Tết Đoan ngọ mà còn cả thời gian sau đó. Do có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, thải độc cho cơ thể để phòng và góp phần chữa một số bệnh cần lợi tiểu như tăng huyết áp, thống phong (gút) sỏi thận... Bổ âm (tư âm, dưỡng âm) là tôn chỉ của một trường phái dưỡng sinh lớn có vị trí quan trọng trong Đông y, bởi vì cơ thể chúng ta "dương thường hữu dư, âm thường bất túc".Để có được bánh gio ngon đúng hương vị truyền thống thì đầu tiên, phải chọn loại gạo nếp chuẩn, hạt mẩy, tròn không lẫn gạo tẻ, đãi sạch, không sạn. Gio phải lựa được gio đun bằng lá tầm gửi, vỏ bưởi, cây dền gai, rơm nếp… (những thứ này được phơi khô rồi đốt thành tro), có như vậy nước gio mới trong và có màu vàng hổ phách. Sau đó cho gạo vào nước gio ngâm một đêm. Ngâm khi nào lấy 2 đầu ngón tay hoặc dụng cụ để di hạt gạo thấy vỡ vụn là được. Nếu ngâm gạo quá lâu, bánh sẽ bị nồng. Khi vớt gạo cần phải xả với nước thật sạch, để ráo. Đây là công đoạn cốt yếu để tạo nên hương vị thanh mát của bánh.
Khi gói bánh cần phải khéo léo cho gạo vào chiếc lá sao cho gọn, đều rồi quấn lá và bẻ mép cho thật khít, thật đều và cân đối sao cho chiếc bánh đẹp và có hình dáng đặc trưng. Có nhiều cách gói bánh gio, có thể gói bánh dài hoặc hình khối tam giác, tuy nhiên cần chú ý khi buộc bánh không được quấn chật tay quá để khi luộc hạt gạo có thể nở và chín đều.Nước luộc bánh cũng cho một ít nước gio, đổ nước ngập hơn bánh ít nhất khoảng 10 - 20 cm. Bánh được luộc từ 3 đến 5 giờ đồng hồ và vớt ra ngoài để nguội. Một chiếc bánh đạt yêu cầu phải tạo được cảm giác ngon ngay từ khi mới bóc ra, cắt từng miếng nhỏ, chấm với đường mật mía.
Bánh bóc ra, hiển hiện trước mắt là một khối ngọc màu hổ phách trong vắt, tưởng như có thể nhìn xuyên thấu bên trong. Cắt từng miếng nhỏ, nhẹ nhàng chấm vào bát mật mía màu vàng óng, thơm phức rồi nhẩn nha thưởng thức mới thấy hết hương vị của đồng đất quê nhà. Cảm nhận đầu tiên là hương vị mát rượi như thạch, rồi đến vị ngọt của mật mía thanh thanh quyện cùng cảm giác deo dẻo của gạo nếp, để lại dư vị khó quên.