17:14 04/09/2019

Tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng làm giảm niềm tin của dân

Hà Vũ

Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp, ông Đỗ Đức Hồng Hà trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp, ông Đỗ Đức Hồng Hà trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu

Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng.

Chiều 4/9, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đã nêu một số ý kiến, trong đó nhấn mạnh một số vấn đề về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Cán bộ còn nhũng nhiễu, ứng xử phản cảm

Theo nhóm nghiên cứu, việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, việc tinh giản biên chế ở một số bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa đồng bộ, còn chậm, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

Tình trạng bổ nhiệm lãnh đạo thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân hoặc vi phạm nghiêm trọng về quy tắc ứng xử với nhân dân, trong đó có những vụ rất phản cảm và gây bức xúc trong dư luận.

Sau khái quát trên, nhóm nghiên cứu điểm lại một số vụ việc, như vụ một số lãnh đạo, giáo viên Trường mầm non Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa bỏ ngoài danh sách một số suất ăn, bớt tiền ăn của các cháu. Vụ một số cán bộ hải quan cửa khẩu La Lay, Quảng Trị vòi vĩnh, nhũng nhiễu, nhận tiền bôi trơn từ người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất, nhập cảnh và xuất, nhập khẩu.

Vụ nữ đại úy thuộc Công an thành phố Hà Nội có hành vi gây mất trật tự và cư xử không đúng mực tại sân bay Tân Sơn Nhất… cần khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm minh, báo cáo của nhóm nghiên cứu nêu rõ.

Nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể cho Quốc hội biết kết quả công tác kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bổ nhiệm lãnh đạo giữ chức vụ, quản lý trên cả nước.

Liên quan đến kết quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, nhóm nghiên cứu cho rằng việc tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu tồn tại nhiều năm vẫn chưa được khắc phục. Việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm về tham nhũng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 37.

"Uỷ ban Tư pháp cho rằng, số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Chất lượng và tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu, việc giám định, định giá tài sản phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng còn nhiều bất cập, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn đạt tỷ lệ thấp…", báo cáo nêu rõ.

Nhóm nghiên cứu của cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, đây là vấn đề cần được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp khắc phục.

Khởi tố 15 vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp 

Hạn chế khác được nhóm nghiên cứu nhấn mạnh là hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng do các cơ quan này phát hiện, điều tra, truy tố chưa tương xứng với tình hình tham nhũng xảy ra trên thực tế và chưa tương xứng với việc được đầu tư, củng cố, tăng cường.

"Ủy ban Tư pháp cho rằng, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trên cơ sở những nhiệm vụ, quyền hạn đã được điều chỉnh của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc trong hoạt động của các cơ quan này để quy định minh bạch, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, là cơ quan đầu mối, quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng", báo cáo nêu.

Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng và các cơ quan bảo vệ pháp luật làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật là vấn đề cần được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục.

Dẫn báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhóm nghiên cứu cho biết trong năm qua Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 15 vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp (tăng 54,5% so với cùng kỳ). Điển hình như các vụ: Nguyễn Thị Kim Anh - Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng và đồng phạm nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại một số đơn vị thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Vụ 5 cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ trong quá trình thanh tra một số địa phương thuộc tỉnh Thanh Hóa. Vụ ông Đặng Trường An, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu, Tây Ninh nhận hối lộ, vụ ông Giáp Văn Huyên, thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang nhận hối lộ.

Được điểm mặt tiếp theo là vụ 3 cán bộ công an phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội nhận hối lộ, vụ ông Đinh Văn Thơm, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…