14:23 09/04/2008

Thành lập Tổ chức Các nước xuất khẩu gạo?

Trung Việt

Thái Lan đã đưa ra đề xuất thành lập Tổ chức Các nước xuất khẩu gạo vào cuối tháng này, nhằm tăng cường “sức mạnh tập thể” trên thị trường

Gạo là mặt hàng chiến lược, giá gạo tăng mạnh trong những ngày qua, đã khiến người dân ở nhiều nước đổ xô đi mua gạo tích trữ.
Gạo là mặt hàng chiến lược, giá gạo tăng mạnh trong những ngày qua, đã khiến người dân ở nhiều nước đổ xô đi mua gạo tích trữ.
Đối phó nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, FAO và một số tổ chức đã đề xuất một loạt giải pháp phát triển nông nghiệp trên quy mô toàn cầu, trong đó có việc thành lập Tổ chức Các nước xuất khẩu gạo.

Gạo là mặt hàng chiến lược, giá gạo tăng mạnh trong những ngày qua, đã khiến người dân ở nhiều nước đổ xô đi mua gạo tích trữ.

Kêu gọi tăng sản lượng nông nghiệp

Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, đã kêu gọi các nước Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ, đặc biệt là Nga, Ukraine, Kazakhstan, tăng sản lượng lương thực.

Theo FAO, tiềm năng sản xuất lương thực của các nước này khá lớn, với khoảng 23 triệu ha đất canh tác, nhưng không được sử dụng vào mục đích nông nghiệp từ nhiều năm nay, trong đó 13 triệu ha có thể sử dụng để trồng trọt ngay mà không cần chi phí cải tạo môi trường.

Khu vực Nam Mỹ cũng có một quỹ đất tiềm tàng và thích hợp với nhiều loại cây trồng. Ngay cả ở châu Phi, từ hơn một thập kỷ nay, các cơ quan quốc tế đã thúc đẩy các nước khu vực này tận dụng các diện tích đất bỏ hoang để phát triển trồng trọt phục vụ xuất khẩu.

Ngoài việc mở rộng đất nông nghiệp và tăng sản lượng lương thực, một số giải pháp khác như giảm, thậm chí bãi bỏ thuế nhập khẩu nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật và giống cây trồng cho nông dân ... cũng sẽ góp phần giảm giá cả lương thực, thực phẩm trên thế giới.

Thái Lan đã đưa ra đề xuất thành lập Tổ chức Các nước xuất khẩu gạo vào cuối tháng này, nhằm tăng cường “sức mạnh tập thể” đối với thị trường gạo thế giới.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, Mingkwan Sangsuwan cho biết, ý tưởng trên đã nhận được nhiều tín hiệu ủng hộ. Thái Lan sẽ thảo luận với các nước xuất khẩu gạo về vấn đề này.

Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ cung cấp 60% lượng gạo xuất khẩu ra thị trường thế giới. Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 31,4%. Nước này dự định sẽ xuất khẩu 8,75 triệu tấn gạo năm 2008 so với 9,7 triệu tấn năm 2007.

Bộ Thương mại Thái Lan hy vọng, nếu Tổ chức các nước xuất khẩu gạo được thành lập, sẽ quyết định được giá gạo trên thị trường thế giới giống như OPEC kiểm soát giá dầu. Liên minh này không những tăng cường quyền mặc cả đối với giá gạo xuất khẩu mà còn giúp các nước xuất khẩu thống nhất giá, ổn định giá gạo nội địa.

Thận trọng khi kiểm soát giá lương thực

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan ngày 6/4 xác nhận, giá gạo thơm đã lên tới 930 USD/tấn, tăng 52% so với cách đây một tháng. Tổng thư ký Hiệp hội, bà Korbsook Iamsuri cho rằng Thái Lan có thể lâm vào cuộc khủng hoảng lương thực. Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho rằng Chính phủ cần duy trì mức trần xuất khẩu không vượt quá 650.000 tấn/tháng, thì mới kiểm soát được giá gạo trên thị trường nội địa.

Giá gạo tăng mạnh đã gây lo ngại cho các chính phủ. Tờ Le Monde ra ngày 6/4 cảnh báo, tình trạng cung không đủ cầu ở châu Phi và châu Á đang dẫn đến sự leo thang giá lương thực-thực phẩm, gây ra tình trạng bất bình trong dân chúng và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị và xã hội ở một số nước.

Trước nguy cơ thiếu lương thực, mỗi nước đã tìm cách đối phó riêng của mình. Theo người phát ngôn của FAO, ông P.Bisl, Triều Tiên đã đề nghị Trung Quốc viện trợ lương thực.

Tổng thống Philippines, bà Gloria Arroyo vừa cho biết, sẽ dành 960 triệu USD để thực hiện một “kế hoạch tổng thể”, nhằm tăng sản lượng gạo. Kế hoạch sẽ hỗ trợ nông dân thuốc trừ sâu, hệ thống tưới tiêu, cho vay vốn đào tạo nguồn nhân lực... Philippines cũng đang tích cực thực hiện kế hoạch nhập 1,5 triệu tấn gạo để đủ lương thực trợ giúp dân nghèo...

Tuy nhiên, ông Jacques Diouf, Giám đốc FAO, cho rằng một số giải pháp đơn phương của các nước chỉ càng làm cho tình hình tồi tệ thêm. FAO kêu gọi các nước hợp tác, xây dựng một chiến lược toàn cầu. Theo các nhà phân tích, khi gạo tăng giá, các nước sản xuất gạo nên nắm lấy cơ hội này để tìm ra cách thức giúp người nông dân dự báo, quản lý, bảo vệ môi trường và tăng sản lượng gạo.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo, các chính phủ nên tăng cường trợ cấp trực tiếp cho người nghèo; không nên áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cứng nhắc, làm bóp méo thị trường và gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Đây chính là bài học của Peru hơn 20 năm trước, khi Chính phủ ra lệnh kiểm soát giá lương thực để giúp người nghèo. Nhưng biện pháp này đã gây phản tác dụng.