Thanh toán không tiền mặt: Công cụ đắc lực xây dựng thành phố thông minh
Cuộc chạy đua thành phố thông minh đang được các quốc gia trên thế giới tiến hành nhanh chóng
Ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của Internet of Things đã kéo theo rất nhiều ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày, cũng như giúp cho nền công nghiệp nói chung phát triển đến mức thông minh hóa tất cả thiết bị để kết nối với con người. Cấp độ kết nối giờ đây không còn hạn chế bởi "bốn bức tường" mà đã lan rộng tới quy mô lớn hơn với tên gọi thành phố thông minh.
Xu thế tất yếu
Thành phố thông minh được hình dung như là một hệ thống hữu cơ tổng thể được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với trí tuệ nhân tạo có thể hành xử thông minh như con người, gồm mạng viễn thông số (sợi dây thần kinh), hệ thống nhúng thông minh (não bộ), các cảm biến (giác quan) và phần mềm (tinh thần, nhận thức) để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên.
Hay như hãng tư vấn Frost & Sullivan định nghĩa, thành phố thông minh là nơi thực hiện chiến lược phát triển tổng thể, thống nhất dựa trên các công nghệ và giải pháp thông minh với từ 5-8 thành phần như công dân thông minh, năng lượng thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, tòa nhà thông minh, di động thông minh, cơ sở hạ tầng, công nghệ và điều hành thông minh của chính quyền và giáo dục thông minh.
Đáng chú ý, cuộc chạy đua thành phố thông minh đang được các quốc gia trên thế giới tiến hành nhanh chóng khi lượng dân cư dồn về các khu đô thị ngày càng lớn.
Ước tính của Liên hợp Quốc cho biết, đến năm 2050, 2/3 dân số thế giới sẽ tập trung tại các đô thị. Vì vậy, chính quyền các quốc gia buộc phải xem xét nâng cấp công nghệ hạ tầng, biến các thành phố hiện nay thành các thành phố thông minh thì người dân mới có thể sinh sống bền vững được.
Ví dụ như dự án quản lý nước sạch tại Trung Quốc, Brazil và Qatar đã giúp giảm 40-50% tỷ lệ rò rỉ nước; hệ thống xử lý rác thải thông minh tại thành phố Cincinnati của Mỹ giúp giảm khoảng 17% tỷ lệ phát xạ ô nhiễm từ rác thải; hệ thống giao thông thông minh tại Anh giúp giảm tới 30% thời gian đi lại và giảm 50% các vụ tai nạn giao thông…
Và với hơn 200 dự án đang được đầu tư, thành phố thông minh đang thực sự trở thành xu hướng phát triển toàn cầu. Trong đó, châu Âu và Châu Á Thái Bình Dương đang là những khu vực đi đầu.
Ngay tại Việt Nam, đất nước đang trong giai đoạn phát triển thì cụm từ thành phố thông minh cũng không còn xa lạ khi thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Vào năm 2012, Đà Nẵng là đô thị đầu tiên được tập đoàn công nghệ IBM chọn để xây dựng thí điểm thành phố thông minh. Ngoài ra, Hà Nội và Tp.HCM cũng đã có những bước triển khai cụ thể với những khía cạnh khác nhau của thành phố thông minh.
Cuối năm 2017, đề án xây dựng Tp.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 được công bố với mục tiêu đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân.
Tương tự, dự án thành phố thông minh có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD tại huyện Đông Anh, Hà Nội cũng vừa được khởi công. Dự án hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy, rút kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề về quy hoạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường phát triển theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ số thông minh tại các khu đô thị, nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp, thuận lợi hơn.
Thanh toán không tiền mặt là công cụ đắc lực
Theo giới chuyên môn, trong các tiêu chí cần phải đạt được khi xây dựng thành phố thông minh như Frost & Sullivan nêu trên, tiện ích đô thị được coi yếu tố cơ bản xuyên suốt. Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là công cụ đắc lực để thực hiện điều đó.
Đơn cử ở tiêu chí giáo dục thông minh, việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho phụ huynh, tiết kiệm thời gian xếp hàng, chờ đợi đóng các khoản thu hàng tháng tại trường, giảm tải cho bộ phận tài chính của trường.
Tại hội nghị mới đây của ngành y tế, đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng: "Thanh toán không dùng tiền mặt giúp ngành y tế đơn giản hóa thủ tục, phục vụ bệnh nhân tốt hơn như không còn phải xếp hàng đợi thanh toán; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt; giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn; tiết kiệm chi phí nhân lực; rút ngắn quy trình khám chữa bệnh; tích hợp với hệ thống bệnh viện góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, hướng tới mô hình bệnh viện thông minh".
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Liên Việt đánh giá: "Nhìn từ phía ngân hàng hàng, phát triển triển không dùng tiền mặt chính là thúc đẩy chuyển đổi số cũng như xây dựng thành phố thông minh. Điều này giúp cho các thành phố thông minh minh bạch hóa trong vấn đề thanh toán cũng như quản lý tài chính".
Nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt hỗ trợ xây dựng thành phố thông minh, trong thời gian vừa qua, các ngân hàng đã bắt đầu quá trình chip hoá thẻ từ.
Trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo ngân hàng ABBank, một trong 7 ngân hàng tiên phong trong việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đánh giá, việc chuyển đổi này sẽ mang đến rất nhiều tiện ích cho khách hàng.
Cụ thể, vị lãnh đạo này nêu ra 4 nguyên nhân, thứ nhất, khi khách hàng thanh toán cùng một giao dịch, tốc độ xử lý của thẻ từ sẽ nhanh hơn thẻ chip. Thứ hai, do có tính bảo mật cao, khách hàng sẽ an tâm hơn trước tình trạng bị tội phạm công nghệ tấn công.
Thứ ba, khách hàng có thể để thẻ chip trong ví của mình, chỉ cần đưa ví ra là thanh toán được nhờ công nghệ không tiếp xúc. Đồng thời, với khách hàng đã có xác thực mã PIN trước thì sẽ không phải ký trên hoá đơn in từ máy ra.
Thứ tư, lượng thông tin lưu trữ trên thẻ chip lớn gấp 3 lần thẻ thông thường. Vì vậy, ngân hàng có thể tích hợp các thanh toán cả các cửa hàng dịch vụ tiện lợi, của những phương tiện giao thông, khách hàng có thể tích hợp thanh toán bằng thẻ trong cuộc sống hàng ngày.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố tại báo cáo gửi lên Quốc hội cho thấy các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt thời gian gần đây tăng khá trưởng ấn tượng.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 158,5 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 410,9 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 15,8% và 15,6% so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị khoảng 10.951 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt hơn 2.093 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so với cùng kỳ năm 2018.
8.00 - 12.00 ngày 10/12/2019, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước và Công ty Napas sẽ tổ chức Diễn đàn phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử với chủ đề: Chuyển động cùng công nghệ chip.
Diễn đàn do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh và Giáo sư Đào Nguyên Cát - Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam chủ trì và điều hành.
Địa điểm: Khách sạn Meliá Hanoi, 44B Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thành phần khách mời:
Đại diện Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành;
Các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức quốc tế, hiệp hội;
Các chuyên gia trong nước & quốc tế; các ngân hàng, doanh nghiệp & người tiêu dùng;
Các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông
Website chính thức của Diễn đàn: http://vetmedia.vn