11:36 24/07/2009

Thanh toán phi tiền mặt khu vực công: Tìm điểm đột phá

Nguyễn Hoài - Tuấn Linh

Đề án thanh toán phi tiền mặt của Chính phủ ban hành từ 2006 nhưng đến nay, việc thực hiện vẫn còn rời rạc

Tính đến năm 2009, số lượng thẻ thanh toán do các ngân hàng Việt Nam phát hành đã lên tới 15 triệu thẻ - Ảnh: Quang Liên.
Tính đến năm 2009, số lượng thẻ thanh toán do các ngân hàng Việt Nam phát hành đã lên tới 15 triệu thẻ - Ảnh: Quang Liên.
Đề án thanh toán phi tiền mặt của Chính phủ ban hành từ 2006 nhưng đến nay, việc thực hiện vẫn còn rời rạc.

Bởi vậy, các ngành thuế, hải quan, kho bạc và ngân hàng đã ngồi lại với nhau, trong một nỗ lực đưa dự án cấp quốc gia này vào cuộc sống từ điểm đột phá thanh toán tiền mặt khu vực công.

Liên quan đến vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ và bộ ngành đã ban hành nhiều quyết định liên quan như: Quyết định số 291/2006/QĐ- TTg ngày 29/12/2006 phê duyệt đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 -2010 và định hướng đến 2020; Thông tư số 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 hướng dẫn tập trung, quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước...

Hiệu quả đi liền với minh bạch

Tại buổi tọa đàm “Thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công - các giải pháp công nghệ” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 23/7/2009, các chuyên gia cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế nói chung và khu vực công nói riêng là xu hướng tất yếu.

Ông Tạ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước phân tích: khi triển khai chủ trương này, về phía Kho bạc Nhà nước sẽ tiết kiệm được biên chế, trang thiết bị, kinh phí trong khâu thanh toán bằng tiền mặt.

Cũng nhờ đó, hệ thống ngân hàng thương mại phát triển cả về số lượng, chất lượng dịch vụ thanh toán phi tiền mặt, có thêm đối tượng mở tài khoản, có thêm lượng vốn nhàn rỗi phục vụ nền kinh tế; trong khi đó, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước sẽ từng bước giảm thiểu và tiến tới triệt tiêu quỹ tiền mặt.

Đối với hoạt động thanh toán chi trả, sẽ có cơ hội kiểm soát chặt các nội dung chi bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính, chẳng hạn: đơn vị sử dụng ngân sách buộc sử dụng một loại thẻ, được gọi là “thẻ tổ chức” để mua sắm hàng hóa tại những nhà dịch vụ chuyên cung cấp hàng hóa dịch vụ công. Chưa kể, thông qua thanh toán không dùng tiền mặt khu vực công, sẽ kiểm soát rất tốt các thông tin về nguồn thu.

Qua đó, thống nhất và đối chiếu đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về số phải thu, số đã thu (bao gồm tiền mặt và chuyển khoản giữa ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước và đơn vị thu; giảm thiểu thời gian và khối lượng nhập liệu tại các đơn vị này; thực hiện kế toán số thu ngân sách nhanh chóng, chính xác, theo dõi kịp thời tình hình thu nộp...

Đồng quan điểm, một lãnh đạo của Tổng cục Thuế cho biết: “Ngành thuế đang triển khai dự án hiện đại hóa thu ngân sách nhà nước. Qua đó, người nộp thuế không những giảm chi phí đi lại đến các địa điểm nộp thuế (vì có thể nộp thông qua mạng lưới ngân hàng), tiết kiệm thời gian mà còn tránh được các phiền phức khi kê khai thủ tục nộp thuế”.

Ngân hàng phải vào cuộc

Có thể thấy rằng, lợi ích thu được từ việc thanh toán không dùng tiền mặt là rất lớn, nhưng nếu thiếu ngân hàng với vai trò như một mắt xích thì hiệu quả sẽ không cao, nếu không nói là khó có thể thành công.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ: trong những năm gần đây, tỷ trọng tiền mặt so với tổng phương tiện thanh toán theo thống kê đến 2008 là 14,6% giảm mạnh so với 16,36% của 2007 và 23,7% của năm 2001 và đó là một thành công của ngành ngân hàng.

Chẳng hạn, thực hiện Chỉ thị 20, trong giai đoạn 1, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai thực hiện chi trả lương qua tài khoản tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trong đó, từ 2007 đến cuối 2008, số đơn vị trả lương qua tài khoản tăng hơn 4 lần (từ 5.181 lên 21.562 đơn vị), số người nhận lương qua tài khoản tăng 3,7 lần (từ 298.920 lên 1.132.442 người).

Dù vậy, theo ông Tiên, thanh toán dùng tiền mặt khu vực công vẫn còn phổ biến do chất lượng, tiện ích mới trong thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế; các tiện tích thiết thực và cơ bản như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, truyền hình cáp... chưa được triển khai mạnh.

Các dịch vụ thanh toán trực tuyến như Mobile Banking, Internet Banking, ví điện tử... mới chỉ được một số triển khai ở quy mô nhỏ hẹp, manh mún, chưa có sự liên kết đáng kể để có hiệu quả cao.

Theo ông Lê Đào Nguyên, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), để triển khai toàn diện đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công, một trong những yêu cầu quan trọng là phải mở rộng các kênh thanh toán điện tử đối với các khoản thu ngân sách Nhà nước, đa dạng hóa các hình thức nộp ngân sách.

Thực hiện điều này, không thể thiếu các tổ chức thanh toán trung gian là các ngân hàng thương mại. Đồng tình, ông Nguyễn Hưng Thanh, GĐ Trung tâm Công nghệ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công cũng là một trong những định hướng phát triển ưu tiên của các ngân hàng.

Tính đến năm 2009, số lượng thẻ thanh toán do các ngân hàng Việt Nam phát hành đã lên tới 15 triệu thẻ, trong đó có 14 triệu thẻ ghi nợ nội địa cùng với một mang lưới các thiết bị chấp nhận thẻ gồm gần 7.500 ATM và 27.000 điểm chấp nhận thẻ (POS) trên toàn quốc.

Ngoài ra, việc hai tổ chức chuyển mạch thẻ hàng đầu tại Việt Nam là Smartlink và Banknetvn chính thức kết nối đã tạo nên mạng lưới chuyển mạch quốc gia thống nhất mang lại nhiều tiện ích cho các chủ thẻ của các ngân hàng khi có thể sử dụng cơ sở hạ tầng ATM/POS của các ngân hàng bạn.

Bởi vậy, ông Thanh đề xuất các ngân hàng cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp bao gồm: đẩy mạnh phát triển các kênh thanh toán điện tử; tham gia triển khai các dịch vụ thanh toán trong lĩnh vực công; hợp tác với các đơn vị hỗ trợ thanh toán.