09:21 13/07/2019

Thấy gì từ việc ông Kim Jong Un chính thức trở thành nguyên thủ Triều Tiên?

An Huy

Ông Kim Jong Un đã được chính thức gọi là nguyên thủ quốc gia và tổng tư lệnh quân đội Triều Tiên trong hiến pháp mới

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: KCNA/Reuters.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: KCNA/Reuters.

Ông Kim Jong Un đã được chính thức gọi là nguyên thủ quốc gia và tổng tư lệnh quân đội Triều Tiên trong hiến pháp mới của nước này. Theo giới quan sát, động thái này có thể nhằm chuẩn bị cho việc ký một hiệp ước hòa bình với Mỹ.

Triều Tiên từ lâu đã kêu gọi ký một hiệp ước hòa bình với Mỹ để bình thường hóa quan hệ và chấm dứt tình trạng chiến tranh vốn duy trì từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cuộc chiến khép lại bằng một thỏa thuận đình chiến chứ chưa có hiệp ước hòa bình.

Theo hãng tin Reuters, hiến pháp mới của Triều Tiên đã được đăng tải trên website nhà nước Naenara vào ngày thứ Năm, trong đó quy định ông Kim là Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề nhà nước - một cơ quan điều hành cấp cao nhất được thành lập vào năm 2016. Với cương vị này, ông Kim là "đại diện tối cao của toàn thể nhân dân Triều Tiên", đồng nghĩa với cương vị nguyên thủ quốc gia, và là "tổng tư lệnh".

Bản hiến pháp trước của Triều Tiên chỉ gọi ông Kim là "lãnh tụ tối cao", người chỉ huy "tòa bộ lực lượng vũ trang" Triều Tiên. Trong khi đó, vai trò nguyên thủ chính thức của Triều Tiên thuộc về Chủ tịch Quốc hội nước này.

Năm ngoái, ông Kim chuyển trọng tâm từ phát triển hạt nhân sang phát triển kinh tế. Cùng với đó, ông bước vào đàm phán hạt nhân với Tổng thống Mỹ Donald Trump và gia tăng xuất hiện trên trường quốc tế thông qua các cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga.

Theo nhà nghiên cứu Hong Min thuộc Viện nghiên cứu về Thống nhất quốc gia ở Seoul, việc thay đổi chức danh của ông Kim Jong Un có thể là bước chuẩn bị cho một hiệp ước hòa bình với Mỹ. "Thay đổi này có thể đặt ông Kim vào vị trí người ký kết một hiệp ước hòa bình", ông Hong nhận xét.

Đến nay, Mỹ vẫn đòi Triều Tiên phải có những bước đi lớn và cụ thể về phi hạt nhân hóa thì Washington mới ký hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng đã phát tín hiệu sẵn sàng đi đến một thỏa thuận giới hạn để giảm căng thẳng, mở văn phòng liên lạc, và tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đã rơi vào bế tắc mấy tháng nay, nhưng các cuộc gặp ở cấp công tác giữa quan chức hai nước có thể được nối lại trong tháng này.

Triều Tiên đã dừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa từ năm 2017, nhưng đã nối lại các vụ thử tên lửa tầm ngắn sau khi không đạt thỏa thuận nào với Mỹ trong cuộc gặp giữa ông Kim và Tổng thống Donald Trump ở Hà Nội hồi tháng 2.

Trên thực tế, ông Kim vẫn luôn là nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên, và việc thay đổi chức danh được cho là không có tác động gì đến quyền lực của ông.