09:14 30/10/2007

Thấy gì từ xếp hạng Chỉ số toàn cầu hóa 2007?

Thùy Trang

Việt Nam lần đầu được đưa vào bảng xếp hạng "Chỉ số toàn cầu hóa 2007" với một thứ hạng khá ấn tượng là 48/72

Năm nay, số lượng các nền kinh tế được đưa vào bảng danh sách xếp hạng đã tăng thêm 10 so với năm ngoái lên 72 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm nay, số lượng các nền kinh tế được đưa vào bảng danh sách xếp hạng đã tăng thêm 10 so với năm ngoái lên 72 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam đã được đưa vào bảng xếp hạng "Chỉ số toàn cầu hóa 2007" với một thứ hạng khá ấn tượng là 48/72. Sau 7 lần công bố, bảng đánh giá thường niên năm nay của Tập đoàn tư vấn AT Kearney và tạp chí Foreign Policy lần đầu tiên đã đưa Việt Nam vào trong bảng xếp hạng này.

Báo cáo chỉ số toàn cầu hóa 2007, do tạp chí Foreign Policy phối hợp với Hãng tư vấn A. T. Kearney thực hiện, cho biết Singapore tiếp tục dẫn đầu năm thứ ba liên tục. Hongkong đã soán được ngôi vị thứ hai do Thuỵ Sĩ giữ năm ngoái. Hà Lan nắm giữ vị trí thứ ba, tiếp theo là Thuỵ Sĩ và Ireland lần lượt ở vị trí thứ 4 và 5. Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ năm nay còn đón nhận sự có mặt của hai thành viên mới là Jordan và Estonia.

Năm nay, số lượng các nền kinh tế được đưa vào bảng danh sách xếp hạng đã tăng thêm 10 so với năm ngoái lên 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là một trong 10 thành viên mới được đưa vào bảng xếp hạng trong năm nay và đã bắt đầu với hạng 48.

Những quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong bảng xếp hạng năm nay chiếm 97% GDP và 88% dân số thế giới. Dựa vào các con số tỉ lệ của năm 2005 vừa đến tay nhà khảo sát, bảng xếp hạng đo lường 12 nhóm dữ liệu thuộc bốn tiêu chí: hội nhập kinh tế (thương mại và vốn), giao lưu con người (lao động, du lịch, kiều hối, điện thoại quốc tế...), kết nối công nghệ (số người dùng Internet, số trang chủ Internet, số máy chủ Internet), và sự tham gia chính trị của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ (tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định quốc tế, đóng góp cho việc giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc, và dòng vốn trao đổi giữa các chính phủ).

Bảng xếp hạng “Chỉ số toàn cầu hóa” được giới chuyên gia đánh giá là một trong những bảng xếp hạng tổng hợp và uy tín để nhìn nhận về mức độ tham gia quá trình toàn cầu hóa của mỗi quốc gia. Do đó, lần đầu tiên Việt Nam có tên đã thể hiện bước tiến trong vị thế toàn cầu của Việt Nam.

Theo giới thiệu của AT Kearney, chỉ số thương mại của Việt Nam được xếp hạng 10 nhờ vào những tiến bộ hướng tới tự do hóa kinh tế. Các khu vực hướng tới xuất khẩu như dệt may giúp nền kinh tế tăng trưởng và hội nhập hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu".

Ngoài chỉ số toàn cầu hóa, báo cáo năm nay còn khai thác mối liên hệ giữa sự hội nhập kinh tế của quốc gia và quy mô nền kinh tế của nước đó, mức độ buôn bán qua mạng và tốc độ tăng trưởng của đô thị.

Kết quả cho thấy: Thứ nhất, toàn cầu hoá là yêu cầu cấp bách hơn đối với những nước nhỏ, thị trường nội địa hạn hẹp và hạn chế về tài nguyên thiên nhiên. 7 trong số 10 nền kinh tế đứng ở vị trí đầu có dân số ít hơn 8 triệu người và 8 thành viên ấy có diện tích nhỏ hơn bang Indiana của Mỹ. Nhưng tổng thương mại và tỉ lệ tăng sản phẩm nội địa của những quốc gia và vùng lãnh thổ này như Ireland và Singapore thì lại gấp đôi nền kinh tế thuộc diện “nặng ký” là Trung Quốc và Ấn Độ.

Thứ hai, các nước càng toàn cầu hoá thì tính quốc tế hoá của internet băng thông rộng càng cao. Chẳng hạn như việc sử dụng băng thông rộng ở Mỹ cũng vượt trội so với các quốc gia khác mà chủ yếu là sử dụng e-mail trong trao đổi thương Lại giữa châu Mỹ latinh và châu Âu thông qua Mỹ.

Thứ ba, toàn cầu hoá ở mức độ thấp hơn đối với những nước có xu hướng tăng nhanh ở khu vực đô thị. Chỉ số của báo cáo cho thấy những nước xếp hạn thấp như Nigeria, Bangladesh và Indonesia tỉ lệ gia tăng đô thị hoá cao hơn so với những nước có vị trí xếp hạng cao hơn.

Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam có các mặt được xếp hạng khá cao như thương mại (hạng 10), kiều hối (hạng 15), tăng trưởng kinh tế (hạng 19). Các yếu tố còn xếp hạng thấp của Việt Nam gồm dịch vụ Internet (hạng 66 và 71), và hạng 69 về tiêu chí “đóng góp cho việc giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc”. (Điều này cho thấy không phải tiêu chí nào cũng phải là mục tiêu giành vị trí cao của mỗi quốc gia).

Nhìn sang các nước láng giềng, năm nay Malaysia tụt 4 bậc so với năm trước với mức xếp hạng 23/72. Mặc dù xếp hạng thương mại ở vị trí khá cao 3/72, tăng trưởng kinh tế xếp hạng 9/72, tuy nhiên lí do chính khiến nước này tụt hạng được báo cáo chỉ ra là tiêu chí chính trị (hạng 63/72).

Philippines cũng tụt 7 bậc xuống hạng 38, trong đó nguyên nhân chính là sự sụt giảm của dòng vốn FDI (xếp hạng 63/72).

Thái Lan bị tụt 8 bậc, rơi xuống vị trí 53, thấp hơn cả Việt Nam, mặc dù Việt Nam mới có mặt lần đầu, còn Thái Lan đã có mặt từ những lần xếp hạng đầu tiên của AT Kearney. Lý do tụt hạng của Thái Lan chủ yếu vẫn là chính trị.

Indonesia còn tụt đến 9 bậc, xuống vị trí 69/72. Tuy Indonesia không có điểm “đặc biệt yếu”, nhưng lại có sự yếu kém toàn diện về nhiều yếu tố toàn cầu hóa, như dòng chuyển dịch nhân lực (hạng 68/72), điện thoại (67/72), du lịch (65/72), dòng vốn chính phủ (67/72).

Mặc dù có những nhìn nhận và kỳ vọng khác nhau về “Chỉ số toàn cầu hóa”, trong đó không hẳn vị trí cao ở tiêu chí nào cũng là mục tiêu của quốc gia. Tuy nhiên, việc Việt Nam lần đầu tiên có mặt với vị trí khá tốt cũng là một niềm tự hào, và có thêm một thông số để chúng ta xác định được vị thế chúng ta đang ở đâu trên thế giới này.

Cùng với việc Việt Nam gia nhập WTO, sự tăng ngoạn mục về dòng vốn FDI cũng như mới đây nhất là trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hoàn toàn có cơ sở để dự báo Việt Nam sẽ chiếm vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng năm tới.