09:08 20/08/2010

Thế giới có "suy thoái kép" hay không?

Vinh Nguyễn

Hàng loạt báo cáo kinh tế, ý kiến chuyên gia phân tích về tái suy thoái hay hồi phục, liên tiếp được đưa ra trong vài ngày qua

Suy thoái kép đang trở thành vấn đề nóng trên thế giới - Ảnh: Corbis.
Suy thoái kép đang trở thành vấn đề nóng trên thế giới - Ảnh: Corbis.
Hàng loạt báo cáo kinh tế, vô số ý kiến chuyên gia phân tích hàng đầu về tái suy thoái hay hồi phục, liên tiếp được đưa ra trong vài ngày qua. Bầu không khí xung quanh vấn đề này được hâm nóng trở lại, trong lúc sự hứng khởi của nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán thế giới ngày càng nguội lạnh.

Mới đây, chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel, ông Nouriel Roubini, Chủ tịch Roubini Global Economics, cho rằng, suy thoái toàn cầu có khả năng sẽ tăng cao trong nửa cuối năm 2010. Theo ông, việc tránh bị suy thoái kép ở Nhật và châu Âu là rất khó khăn.

Lawrence Summers, cố vấn kinh tế trưởng cho Tổng thống Barack Obama, thì cho rằng, các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang ở trong tình trạng gần như rơi vào bẫy thanh khoản. Theo ông này, các nền kinh tế lớn đang suy yếu đến nỗi mức lãi suất cơ bản thấp hơn và các công cụ tiền tệ khác cũng trở nên không mấy tác dụng.

Hồi đầu tháng này, trả lời phỏng vấn trên truyền hình Mỹ, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan phát biểu hiện tại sự phục hồi kinh tế Mỹ đang ở trong giai đoạn "tạm ngừng", như vậy cũng gần giống như suy thoái. Khi được hỏi liệu nền kinh tế Mỹ có thể rơi trở lại vào suy thoái hay không, ông trả lời điều này là có thể.

“Quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chững lại. Và một sự chững lại trong quá trình hồi phục cũng chẳng khác là bao so với một cuộc suy thoái”, cựu Chủ tịch FED giải thích.

Theo ông Greenspan, vấn đề lớn nhất của kinh tế Mỹ hiện vẫn nằm ở thị trường nhà đất. Sau một thời gian phục hồi ngắn, chuyên gia kinh tế này cho rằng thị trường bất động sản Mỹ đang đi ngang. “Nếu giá nhà đi xuống, nguy cơ suy thoái kép sẽ hiển hiện trước mắt chúng ta”, ông khẳng định.

Tuy nhiên, bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist của Anh hôm 18/8 tái khẳng định, sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang chậm lại do chính phủ các nước rút dần các chính sách kích thích.

Dẫu rằng những dấu hiệu kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc gần đây khiến người ta lo ngại, song theo EIU, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2011 chỉ giảm xuống mức 3,6% so với mức 4,5% (tính theo sức mua) của năm 2010, chứ khó có thể xảy ra suy thoái kép.

Theo EIU, sự hồi phục kinh tế tại Mỹ đang chậm lại bởi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạm thời, chẳng hạn như kích cầu, đã suy yếu. Sự hồi phục nhờ xuất khẩu của Nhật Bản cũng không bền vững.

Nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc cũng như phục hồi tại Mỹ dù mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản, tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế tại cả hai thị trường này đang chậm lại và đồng Yen mạnh cũng đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong khi đó, dù tình hình đã được cải thiện tại Liên minh châu Âu (EU), song những quan ngại về tài khóa vẫn rất lớn và những vấn đề cốt lõi vẫn tồn tại. Các nước Mỹ Latinh đang trên đà tăng trưởng, tuy nhiên, sẽ chịu ảnh hưởng từ việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong năm 2011. Khu vực Trung Đông và châu Phi sẽ vẫn duy trì được tăng trưởng nhờ sản xuất dầu mỏ tăng và chi tiêu chính phủ lớn.

Thế giới có "suy thoái kép" hay không? - Ảnh 1
Cựu chủ tịch FED tin rằng, suy thoái kép hoàn toàn có thể xảy ra - Ảnh: Life.

Trước đó 1 tuần, cũng EIU đã đưa ra 5 nhân tố cho thấy việc trở lại tình trạng suy thoái là không thể. Thứ nhất, dù các số liệu về kinh tế Mỹ gây thất vọng, nhưng các số liệu kinh tế tại Đức và khu vực đồng tiền chung châu Âu lại tốt hơn nhiều. Khu vực sản xuất, chế tạo đang hồi phục trở lại. Gói ổn định tài chính của khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng đã giúp xóa bỏ sức ép đối với các thị trường đang lâm vào cảnh nợ nần.

Thứ hai, các thị trường mới nổi hầu hết đã vượt qua suy thoái mà không bị thiệt hại quá nặng. Dù xuất khẩu của các nước này vẫn phải phụ thuộc vào nhu cầu thấp của các nước phát triển, nhưng các ngân hàng có đủ khả năng thanh khoản và đủ tiền trả nợ, cũng như các mối liên hệ về đầu tư và thương mại trong nội bộ các quốc gia này đã giúp duy trì tăng trưởng ở mức tương đối.

Thứ ba, việc thắt chặt chính sách tài khóa tại hầu hết các nước sẽ diễn ra một cách từ từ trước khi được thắt chặt vào năm 2011, để không gây ảnh hưởng lớn. Mỹ đã xem xét về việc thắt chặt chính sách tài khoá quá sớm. Các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Anh đang thắt chặt tài khóa một cách mạnh mẽ hơn.

Thứ tư, dù không thể tiếp tục cắt giảm tỷ lệ lãi suất nhưng các ngân hàng trung ương đã sẵn sàng duy trì các tỷ lệ lãi suất ở mức gần bằng "0" trong tương lai gần, cũng như tiếp tục kích thích tiền tệ phi truyền thống nếu cần thiết.

Cuối cùng, một lý do để thế giới có thể lạc quan là nạn suy thoái kép ít khi xảy ra. Hơn nữa, chu trình kinh tế hiện nay không phải là một chu trình đặc trưng, mà suy thoái này có nguyên nhân từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kìm giữ lạm phát.

Trong báo cáo ngày 18/8, ngoài việc nhắc lại những nhân tố được coi là tích cực này, EIU còn đưa ra khuyến cáo các nước không nên coi nhẹ những khó khăn, thách thức ở phía trước.

Trước EIU, trong dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 26/7, các tập đoàn tài chính Mỹ và quốc tế đều cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Sau các gói kích thích kinh tế và cải tổ cơ cấu, nền kinh tế toàn cầu ra khỏi khủng hoảng với tốc độ tăng trưởng trung bình 5% trong quý 1 vừa qua, nhưng nay tốc độ tăng trưởng này có thể giảm xuống còn 3,25-3,5% trong 3-5 năm tới, thấp hơn cả mức tăng trung bình 4,7% trong năm năm dẫn tới suy thoái kinh tế năm 2008.

Tập đoàn tài chính Mỹ Morgan Stanley và trường Đại học Yale của Mỹ nhấn mạnh tiêu dùng giảm mạnh ở Mỹ, quá trình phục hồi tài chính chậm chạp ở châu Âu, nguồn tín dụng từ các ngân hàng bị giảm mạnh và thất nghiệp cao là các yếu tố làm giảm tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Một điều dễ nhận thấy là, trong lúc các nhà phân tích, các quỹ đầu tư đang tranh cãi về khả năng suy thoái kép, thì phản ứng trên thị trường càng lúc càng tiêu cực hơn.

Tuy nhiên, theo bình luận của ông Sebastian Mallaby, cộng tác viên cao cấp tại Hội đồng đối ngoại Mỹ, "suy thoái kép chưa phải là một tai họa đáng sợ nhất. Nếu điều đó xảy ra thì nền kinh tế chỉ mất vài phần trăm tăng trưởng. Nhưng nếu thị trường trái phiếu chính phủ sụp đổ, nước Mỹ sẽ mất tất cả".