11:31 08/03/2007

Thế giới hướng tới nhiên liệu sinh học

Nguyễn Thế Nghiệp

Trong khi năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt, nhiều nước đã đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu xanh

Ngô là một trong những nguyên liệu sản xuất nhiên liệu ethanol.
Ngô là một trong những nguyên liệu sản xuất nhiên liệu ethanol.
Thị trường nhiên liệu sinh học (biofuel) và năng lượng tái sinh đang có xu hướng phát triển mạnh tại nhiều nước trên thế giới.

Sản lượng nhiên liệu sinh học toàn cầu tăng 2 lần từ năm 2000 đến năm 2005 trong bối cảnh loài người đang phải đối mặt với hiện tượng trái đất ấm lên do sử dụng quá nhiều các loại nhiên liệu hoá thạch.

Nhiêu liệu sinh học còn được gọi là nhiên liệu xanh (greenfuel) được sản xuất từ nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác nhau và tiềm năng kinh doanh loại nhiên liệu này là rất lớn.

Brazil có nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, có thể sản xuất đủ lượng ethanol để thay thế 10% nhu cầu xăng dầu thế giới trong 20 năm tới. Dự án phát triển sản xuất ethanol có sự tham gia của Chính phủ Brazil và Công ty dầu mỏ quốc doanh Petronas sẽ tăng sản lượng ethanol lên 15 lần, sản xuất chủ yếu từ mía đường của nước này.

Lượng ethanol của Brazil xuất khẩu sẽ tăng lên 200 tỷ lít trong 20 năm tới, so với mức 3 tỷ lít hiện nay. Dự án sản xuất ethanol cần vốn đầu tư 20 tỷ Real (gần 10 tỷ USD)/năm trong 4-5 năm đầu tiên, sau đó sẽ giảm dần. Theo giáo sư danh dự Rogerio Cesar Cerqueiro Leite của trường ĐH Campias, Brazil tăng sản lượng ethanol mà không huỷ hoại khu rừng nhiệt đới Amazon và không xâm hại đất nông nghiệp.

Sau khi Tổng thống Mỹ George Bush thông báo chủ trương tìm kiếm nguồn năng lượng mới, nhiều công ty sản xuất nhiêu liệu sinh học đã ra đời, diện tích trồng ngô tại nước này tăng mạnh. Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2010 nâng sản lượng nhiên liệu sinh học ngang bằng sản lượng năng lượng sinh học của Brazil, quốc gia trồng nhiều ngô và đang dẫn đầu xuất khẩu nhiên liệu sinh học vào thị trường Mỹ.

Đến năm 2017 mỗi năm Mỹ sản xuất 132 tỷ lít nhiên liệu sinh học nhằm giảm 20% lượng xăng dầu tiêu thụ . Hiện nay tại Mỹ có 116 nhà máy sản xuất ethanol, 79 nhà máy đang xây dựng, 11 nhà máy được mở rộng và 200 nhà máy sẽ đi vào hoạt động khi vụ thu hoạch ngô bắt đầu vào tháng 9/2008.

Các nhà máy sản xuất ethanol tại Mỹ có thể sử dụng 139 triệu tấn ngô (5,5 tỷ bushel) vào vụ ngô tới. Ông Lester Brow, nhà sáng lập Viện Nghiên cứu Chính sách Trái đất (EPI), một tổ chức môi trường có trụ sở tại Washington cảnh báo với kế hoạch sản xuất ethanol đầy tham vọng như đã công bố, nước Mỹ cần gấp đôi lượng ngô trong niên vụ 2008 mới đủ ngô cung cấp cho các nhà máy hoạt động. Động thái này sẽ đẩy giá lương thực lên cao trong bối cảnh thế giới đang thiếu lương thực, nhất là ngô để sản xuất thức ăn cho gia súc.

Keith Collins, nhà kinh tế trưởng của Bộ Nông nghiệp Mỹ nói dự báo sử dụng ngô của ngành công nghiệp ethanol là không phù hợp với thực tế. Theo ông dùng nhiều ngô để sản xuất ethanol sẽ đẩy giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như sữa, trứng, thịt và pho mát tăng cao.Trái với quan điểm của ông Lester Brow, ông Bob Dineen, Chủ tịch Hiệp hội nhiên liệu thay thế (Mỹ) cho rằng ngành sản xuất ethanol đang chuyển biến nhanh, những số liệu mà hiệp hội này đưa ra là khả thi. Thị trường Mỹ không thể thiếu ngô, vì Chính phủ có kế hoạch đưa thêm 4 triệu ha đất vào trồng ngô và các cây lương thực khác trong năm tới.

Cùng với việc mở rộng diện tích trồng cây lương thực, xây dựng thêm nhà máy sản xuất ethanol, chính quyền Mỹ còn cử các quan chức ngoại giao đến Brazil để tìm hiểu về khả năng thành lập một liên minh phát triển nhiên liệu sinh học song phương, hướng tới xây dựng một thị trường toàn cầu về nhiên liệu sinh học .

Liên minh châu Âu (EU) đang khuyến khích việc sử dụng nhiên liệu sinh học và hướng tới mục tiêu nhiên liệu sinh học chiếm 5,75% trong tổng lượng xăng dầu bán ra vào năm 2010. Tại Anh, Chính phủ đã yêu cầu các Công ty dầu khí Shell và BP đến năm 2010 phải có khối lượng nhiên liệu sinh học chiếm 5% khối lượng nhiên liệu mà 2 công ty này bán ra.

Tại khu vực châu Á, Malaysia và Indonesia sản xuất nguyên liệu sinh học từ các loại cây ngô, mía, đậu tương, hạt có dầu, cây cọ, vỏ bào và cả phân động vật. Nhật Bản tiêu thụ khối lượng xăng dầu lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc, có thể trở thành quốc gia đi đầu trong việc nhập khẩu nhiên liệu sinh học.

Nhằm giảm sự lệ thuộc vào dầu mỏ luôn có xu hướng tăng giá, tháng 7/2006 đã có lúc lên tới 78,40 USD/thùng, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã ký hợp đồng với các công ty Mỹ, Philippines tăng cường đầu tư vào lĩnh vực trồng mía, nguồn nguyên liệu chủ yếu sản xuất ethanol.

Giá thành sản xuất nhiên liệu sinh học từ dầu chà là và dầu cọ ở Malaysia và Indonesia thấp lơn 40% so với các loại nhiên liệu sinh học khác. Malaysia đã có 3 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học công suất 276.000 tấn/năm và một số nhà máy sắp xây dựng, hy vọng sẽ chiếm lĩnh thị trường dầu diesel sinh học (biodiesel) của Liên minh châu Âu. Chính phủ nước này đặt chỉ tiêu sản xuất 1 triệu tấn dầu diesel sinh học xuất khẩu trong năm 2007-2008.

Indonesia đã có 5,4 triệu ha trồng cọ, đến năm 2010 sẽ mở rộng thêm 3 triệu ha nữa. Giá các loại nhiên liệu sinh học trong năm qua tăng tới 47% so với giá dầu thô tăng dao động ở mức 2,4%.

Các chuyên gia dự báo đến năm 2030 nhiên liệu sinh học có thể chiếm 7% nhu cầu năng lượng toàn cầu. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học là công nghệ. Một số chuyên gia cho rằng phải mất 10-15 năm nữa mới có công nghệ tối ưu sản xuất nhiên liệu sinh học.