15:43 12/09/2017

Trung Quốc muốn ngừng nhập đồng nát từ Mỹ

An Huy

Rác và phế liệu là mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc lớn thứ sáu của Mỹ

Tàu container cập cảng Thiên Tân, Trung Quốc.<br>
Tàu container cập cảng Thiên Tân, Trung Quốc.<br>
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, những con tàu container vẫn miệt mài chở các loại rác và phế liệu từ Mỹ đến Trung Quốc để tái chế. Tuy nhiên, trang CNN Money cho biết, ngành kinh doanh trị giá 5 tỷ USD mỗi năm này đang đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”.

Hồi tháng 7, Trung Quốc đã thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng nước này có kế hoạch cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu rắn, bao gồm các loại nhựa và giấy chưa qua phân loại - vốn thường là những loại rác và phế liệu mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ. Trung Quốc nói lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ tháng 9, khiến các công ty Mỹ gần như không có thời gian để chuẩn bị.

Công nghiệp đồng nát Mỹ lo sợ


Viện Công nghiệp tái chế phế liệu (ISRI), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington, Mỹ, ước tính rằng khoảng 1/5 hoạt động xuất khẩu rác và phế liệu từ Mỹ sang Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm trên. Điều này khiến các công ty tái chế của Mỹ có giao dịch với Trung Quốc đặc biệt lo lắng.

“Trong một thời gian ngắn, chúng ta sẽ phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh của xuất khẩu phế liệu từ Mỹ sang Trung Quốc, và thị trường đang có chút hoảng sợ”, chuyên gia Adina Adler thuộc ISRI phát biểu.

“Chúng tôi tôn trọng những gì mà Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng làm, và chúng tôi muốn giúp ích, nhưng họ gần như không cho chúng tôi thời gian để có bất kỳ sự chuẩn bị nào”, bà Adler phát biểu.

Rác và phế liệu là mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc lớn thứ sáu của Mỹ.

Hoạt động xuất khẩu này diễn ra như sau: mỗi năm, một số lượng lớn tàu container chở hàng tiêu đùng từ Trung Quốc cập bến Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ có thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc, và hầu như những con tàu này không có gì để chở trên hành trình từ Mỹ về Trung Quốc. Vì vậy, các công ty vận tải biển đưa ra mức giá cước rất rẻ cho hành trình về này.

Đây là một cơ hội tuyệt vời cho ngành công nghiệp tái chế của Mỹ vốn có một lượng lớn các loại phế thải từ kim loại, giấy, nhựa, cao su và đồ điện tử mà các công ty tái chế Trung Quốc cần.

Nhà báo Adam Minter đã có một cuốn sách mang tên “Junkyard Planet” (tạm dịch: “Hành tinh đồng nát”), trong đó giải thích rằng việc vận chuyển phế liệu từ Mỹ sang Trung Quốc còn rẻ hơn vận chuyển phế liệu bằng đường sắt từ Los Angeles tới Chicago.

Trung Quốc lo ô nhiễm


Trung Quốc nói việc nước này cấm nhập khẩu một số loại rác và phế liệu là do mối quan ngại về môi trường. Chính phủ Trung Quốc nói với WTO rằng họ phát hiện một số lượng lớn vật liệu bẩn và độc hại lẫn trong phế liệu rắn, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc nói muốn “cải cách hệ thống quản lý nhập khẩu phế liệu rắn, thúc đẩy hoạt động tái chế phế liệu rắn trong nước, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe nhân dân”.

Tuy nhiên, tác giả Minter cho rằng lệnh cấm của Trung Quốc có thể càng khiến các vấn đề môi trường của nước này trở nên nghiêm trọng hơn. Hồi tháng 7, ông Minter viết rằng phế liệu nhập khẩu vào Trung Quốc sạch hơn nhiều so với phế liệu tại Trung Quốc, và việc cấm nhập sẽ khiến nhiều công ty tái chế Trung Quốc phải đóng cửa - đồng nghĩa với việc lượng rác và phế liệu phải đem đốt hoặc chôn lấp sẽ gia tăng.

Sự dịch chuyển chính sách của Trung Quốc đang gây ra nhiều băn khoăn trong ngành tái chế ở cả nước này và Trung Quốc. Các công ty phế liệu Mỹ đang chờ xem chính sách mới của Trung Quốc sẽ được thực thi thế nào.

“Sự thiếu rõ ràng gây thiệt hại đối với chúng tôi không kém gì chính sách mới này”, ông Kevin Duncombe, Chủ tịch công ty tái chế Western Pacific Pulp and Paper, phàn nàn.

Bà Adler nói rằng lệnh cấm đã có ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu rác và phế liệu từ Mỹ sang Trung Quốc. “Khách hàng Trung Quốc đang hủy đơn hàng hoặc không có đơn đặt hàng mới. Trong một số trường hợp, họ không nhập hàng ở càng”, bà cho biết.

ISRI cho biết có ý định chống lại lệnh cấm của Trung Quốc. “Cuộc khủng hoảng môi trường của Trung Quốc nằm trong tay họ và họ cần phải làm gì đó, nhưng chúng tôi không nhất trí với việc họ áp một lệnh cấm thẳng thừng như vậy. Đó không phải là giải pháp”, bà Adler phát biểu.