Những quốc gia ô nhiễm không khí nhất thế giới
Đồ thị thông tin dưới đây gồm các quốc gia ô nhiễm nhất thế giới, được xếp hạng dựa trên nồng độ bụi mịn PM2.5 (microgram trên mỗi mét khối - μg/m3) bình quân năm 2023...
Gần như toàn bộ dân số thế giới đang hít thở bầu không khí có nồng độ ô nhiễm vượt quá ngưỡng khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đồ thị thông tin dưới đây gồm các quốc gia ô nhiễm nhất thế giới, được xếp hạng dựa trên nồng độ bụi mịn PM2.5 (microgram trên mỗi mét khối - μg/m3) bình quân năm 2023.
PM2.5 là các hạt bụi mịn có kích thước từ 2,5 micromet trở xuống, có thể thâm nhập sâu vào phổi và gây ra các vấn đề về sức khỏe. Năm 2021, WHO cập nhật hướng dẫn chất lượng không khí về bụi mịn PM2.5. Theo đó, khuyến nghị mới về nồng độ PM2.5 bình quân năm không được vượt quá 5 μg/m3, giảm từ ngưỡng 10 μg/m3 trong hướng dẫn trước đó. Bụi mịn PM2.5 chủ yếu đến từ động cơ phương tiện giao thông, khí thải từ nhà máy điện, khói từ các đám cháy, bụi bẩn trong không khí…
Một nghiên cứu năm 2022 Air Quality Life Index (AQLI) cho thấy 97,3% dân số thế giới hít thở bầu không khí có nồng độ PM2.5 vượt quá khuyến nghị của WHO. So với bầu không khí đạt chuẩn của WHO, điều này khiến tuổi thọ bình quân toàn cầu giảm 2,2 năm. Riêng khu vực Nam Á, AQLI cho rằng người dân sống tại khu vực này có thể mất tới 5 năm tuổi thọ do không khí ô nhiễm. Nam Á là một trong những “điểm nóng” về ô nhiễm không khí suốt nhiều năm qua, khi có 37/40 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.