13:28 22/04/2024

Cơn sốt vàng ở Trung Quốc

Ngọc Trang

Trong bối cảnh giá vàng thế giới gần đây lập kỷ lục trên 2.400 USD/ounce, Trung Quốc - nước sản xuất và tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - cũng lên cơn sốt vàng...

Ảnh minh họa: Bloomberg
Ảnh minh họa: Bloomberg

Căng thẳng địa chính trị diễn biến xấu, bao gồm xung đột ở Trung Đông và Ukraine, cùng với triển vọng Mỹ hạ lãi suất bấp bênh đang khiến vàng phát huy mạnh mẽ vai trò là một kênh đầu tư trú ẩn. Ở Trung Quốc, đà tăng của giá vàng đang khiến nhu cầu đối với kim loại quý này tăng mạnh theo. Người dân, nhà đầu tư quỹ, nhà giao dịch hợp đồng tương lai và thậm chỉ cả ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đẩy mạnh mua vàng.

NHU CẦU VÀNG NGÀY CÀNG TĂNG

Trung Quốc và Ấn Độ thường thay nhau giữ vị trí nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới. Năm ngoái, vị trí này thuộc về Trung Quốc khi tiêu thụ vàng trang sức, vàng miếng và vàng xu của nước này đều tăng vọt. Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng trang sức tại Trung Quốc năm 2023 tăng 10%, trong khi tại Ấn Độ giảm 6%. Trong khi đó, nhu cầu vàng miếng và xu vàng  của Trung Quốc tăng tới 28%.

“Nhu cầu vàng ở Trung Quốc vẫn còn dư địa để tăng lên nữa”, ông Philip Klapwijk, giám đốc công ty tư vấn Precious Metals Insights Ltd. tại Hồng Kông, nhận định với hãng tin Bloomberg. “Trong bối cảnh không có nhiều lựa chọn để đầu tư ở Trung Quốc với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, thị trường chứng khoán biến động mạnh và đồng nhân dân tệ suy yếu, tất cả đều đang đổ tiền vào những tài sản được xem là an toàn hơn, trong đó có vàng”.

Cơn sốt vàng ở Trung Quốc - Ảnh 1

Lý giải thêm, ông Klapwijk cho biết, ở Trung Quốc, do sự kiểm soát về tỷ giá và dòng vốn của nhà chức trách, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đưa tiền ra nước ngoài. Do đó, lượng tiền đổ vào những tài sản như vàng ở Trung Quốc đang rất lớn.

Trên thực tế, dù là nước khai thác vàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu vàng và lượng nhập khẩu đang ngày càng gia tăng. Trong vòng 2 năm qua, tổng nhập khẩu vàng của quốc gia này là hơn 2.800 tấn, nhiều hơn lượng vàng của tất cả các quỹ ETF vàng trên thế giới và bằng khoảng 1/3 dự trữ vàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Gần đây, lượng nhập khẩu kim loại này của Trung Quốc thậm chí tăng mạnh hơn, đặc biệt là trước thềm Tết Nguyên đán 2024. Ba tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã mua vàng suốt 17 tháng liên tiếp, kể từ tháng 11/2022 – giai đoạn mua vào dài nhất từ trước tới nay, trong bối cảnh cơ quan này muốn đa dạng hóa dự trữ khỏi đồng USD và bảo vệ đồng nội tệ. Năm 2023, cơ quan này mua thêm 225 tấn vàng, nâng dự trữ vàng lên 2.235 tấn, chiếm khoảng 4,3% dụ trữ ngoại hối chính thức của Trung Quốc.

Cơn sốt vàng ở Trung Quốc - Ảnh 2

Với người dân và nhà đầu tư cá nhân, nhu cầu mua vàng ngày càng lên cao dù giá tăng kỷ lục và đồng nhân dân tệ suy yếu. Khi một phần lớn vàng tiêu thụ trong nước là hàng nhập khẩu, người mua vàng Trung Quốc thường phải trả mức giá chênh lệch so với giá quốc tế. Vào đầu tháng 4, mức chênh lệch này tăng lên 89 USD/ounce. Mức chênh lệch bình quân trong vòng một năm qua là 35 USD, cao hơn so với mức bình quân chỉ khoảng 7 USD trong giai đoạn trước.

NHU CẦU TĂNG BỀN VỮNG

Theo các nhà phân tích, giá cao kỷ lục có thể kìm hãm phần nào nhu cầu mua vàng, nhưng thị trường Trung Quốc đang chứng tỏ sức bền một cách kỳ lạ. Thông thường, người tiêu dùng Trung Quốc gom vàng khi giá giảm và điều này giúp tạo ra một bệ đỡ cho thị trường trong những giai đoạn đi xuống. Nhưng lần này lại khác, giá vàng tăng nhưng nhu cầu không hề giảm.

Cơn sốt vàng ở Trung Quốc - Ảnh 3

“Điều này cho thấy nhu cầu vàng ở Trung Quốc tăng bền vững và người mua vàng trên thế giới nên cảm thấy thoải mái về sự bùng nổ nhu cầu đối với kim loại quý này ở Trung Quốc”, ông Nikos Kavalis, giám đốc công ty tư vấn Metals Focus Ltd., nhận xét.

Trước tình hình hiện tại, các phương tiện truyền thông quốc gia Trung Quốc cảnh báo nhà đầu tư thận trọng khi chạy theo cơn sốt vàng. Trong khi đó, cả Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) và Sàn giao dịch hợp đồng tương lai Thượng Hải (SHFE) đều tăng yêu cầu ký quỹ đối với một số loại hợp đồng rủi ro. Động thái này được đưa ra sau khi lượng giao dịch hợp đồng vàng trong một phiên trên SHFE tăng vọt lên mức cao nhất 5 năm.

Theo dữ liệu từ Bloomberg Intelligence, từ tháng 6/2023, lượng tiền đầu tư vào các quỹ ETF vàng tại Trung Quốc đại lục gần như tháng nào cũng tăng, ngược lại với xu hướng rút tiền khỏi các quỹ ETF vàng trên thế giới. Tính từ đầu năm 2024, tổng lượng tiền rót vào các quỹ ETF vàng ở Trung Quốc đại lục là 1,3 tỷ USD, trong khi lượng tiền rút khỏi các quỹ tương tự trên thế giới là khoảng 4 tỷ USD. Theo các nhà phân tích, một nguyên nhân cho xu hướng này là nhà đầu tư Trung Quốc không có nhiều kênh đầu tư thay thế cho bất động sản và chứng khoán.

“Nhu cầu vàng ở Trung Quốc có thể sẽ còn tiếp tục tăng khi nhà đầu tư nước này tìm cách đa dạng hóa danh mục của mình”, nhà phân tích Rebecca Sin của Bloomberg Intelligence nhận định trong một báo cáo.