10:14 08/07/2011

Thêm máy bay, tàu lớn cho cảnh sát biển Việt Nam

Thúy Hằng

Đầu năm 2012 sẽ có tàu 20.000 tấn, có thể chạy 40 ngày đêm trên biển, trong điều kiện thời tiết phức tạp, gió cấp 12, sóng cấp 9

Lực lượng cảnh sát biển Vùng 1 huấn luyện sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc -  Ảnh: TTXVN
Lực lượng cảnh sát biển Vùng 1 huấn luyện sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc - Ảnh: TTXVN
Sẽ trang bị thêm máy bay, tàu lớn cho cảnh sát biển Việt Nam, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển, Trung tướng Phạm Đức Lĩnh cho biết bên lề hoạt động vừa diễn ra tại Hà Nội, chuẩn bị cho Hội nghị những người đứng đầu cảnh sát biển Châu Á (HACGAM) lần thứ 7.

Theo trung tướng Phạm Đức Lĩnh, hình thành từ ngày 28/8/1998, đến nay lực lượng cảnh sát biển cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Nhận định tình hình trên biển, đặc biệt là vấn đề ngư dân ta hoạt động trên biển vừa rồi có nhiều phức tạp, ông Lĩnh cho hay đã tổ chức lại phương thức hoạt động để duy trì sự có mặt của cảnh sát biển càng nhiều ngày trên biển càng tốt, nhất là các vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước. Tăng cường hoạt động ở khu vực này, đảm bảo quản lý hết vùng biển của Việt Nam.

Khi thấy có cảnh sát biển thì ngư dân cũng yên tâm hơn, nhất là khi có tình huống thì lực lượng này sẽ ứng cứu, giúp đỡ bà con, ông Lĩnh nói.

Liên quan đến trách nhiệm bảo vệ thăm dò tài nguyên dầu khí trên vùng biển Việt Nam, ông Lĩnh khẳng định “nếu nước ngoài đến thăm dò dầu khí của Việt Nam, đã là chủ quyền biển của mình, mình bảo vệ đến cùng. Chúng ta không có chuyện nhún nhường. Đây không phải là vùng biển chồng lấn, tranh chấp gì cả, đây là của Việt Nam.

Nhấn mạnh việc Việt Nam là thành viên UNCLOS, ông Lĩnh nói “ta làm đúng trách nhiệm của nước thành viên, và chúng ta yêu cầu nước khác cũng làm như vậy. Đã là thành viên phải thực hiện cho đúng UNCLOS”.

Trả lời câu hỏi cụ thể hơn khi nước khác định đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trung tướng Phạm Đức Lĩnh khẳng định sẽ kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra việc đó.

“Nếu đặt giàn khoan, đương nhiên anh vi phạm chủ quyền của tôi, được quốc tế công nhận, chúng ta sẽ bằng mọi cách để không để việc này xảy ra, bằng mọi phương thức: đấu tranh pháp lý, ngoại giao… phải phát huy sức mạnh tổng hợp và bằng mọi hình thức để đấu tranh”, ông Lĩnh nói.

Theo Cục trưởng Lĩnh, tất cả các lực lượng có hoạt động trên biển đều phải tham gia bảo vệ chủ quyền. “Chúng tôi đã từng bước phối hợp và sẽ tăng cường phối hợp chặt hơn giữa các lực lượng: hải quân, biên phòng, giao thông vận tải, nông nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và các lực lượng khác có liên quan hoạt động trên biển”, ông Lĩnh cho biết.

Tuy nhiên, vị cục trưởng cảnh sát biển cũng nhìn nhận, với diện tích biển gấp 3 lần diện tích đất liền, lực lượng cảnh sát biển hiện chỉ đáp ứng được 30-40% yêu cầu. Trang bị còn hạn chế, chưa đảm bảo hoạt động ở vùng biển xa, trong thời tiết phức tạp như gió cấp 9-10 hoặc đi dài ngày trên biển.

Trung tướng Lĩnh cũng cho biết, với định hướng đầu tư thêm, hiện nay, Chính phủ đang giao cho Cục lập đề án phát triển giai đoạn hai, xây dựng mô hình hoàn chỉnh của cảnh sát biển và sẽ tăng cường trang bị thiết bị cho cảnh sát biển.

Việc đầu tư sẽ đáp ứng từng bước theo mức phát triển của nền kinh tế, chọn lọc những gì cần nhất, cấp bách nhất thì đầu tư trước. Bên cạnh đào tạo đội ngũ sẽ trang bị tàu thuyền, máy bay, để nâng cao tầm hoạt động và hiệu quả bao quát tốt hơn.

Về thiết bị, ông Lĩnh cho biết, trước mắt sẽ đầu tư tàu có độ giãn nước lớn, hoạt động dài ngày để có thể duy trì sự có mặt của cảnh sát biển trên biển thường xuyên.

Đầu năm 2012, chúng ta sẽ có tàu 2.000 tấn, có thể chạy 40 ngày đêm trên biển, trong điều kiện thời tiết phức tạp, gió cấp 12, sóng cấp 9. Sắp tới ưu tiên đầu tư thêm tàu, máy bay.

“Các tàu trang bị còn có nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, có cả sàn đỗ máy bay trực thăng, có buồng quân y, có 12 giường bệnh, cùng lúc cấp cứu được 120 người. Khi có tàu này thì bà con có thể yên tâm. Cần là lực lượng cảnh sát biển có mặt. Tốc độ cũng đảm bảo đủ để thực hiện nhiệm vụ” ông Lĩnh chắc chắn.