16:33 26/11/2008

Thêm nhiều ngân hàng Mỹ đứng bên miệng vực

Kiều Oanh

Số ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ ở Mỹ tính tới quý 4 đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 171 ngân hàng

Từ mùa hè năm ngoái tới nay, thị trường nhà đất chao đảo, kéo theo sự sụp đổ của thị trường cho vay dưới chuẩn ở Mỹ đã và đang khiến hầu hết mọi ngân hàng trên khắp nước này điêu đứng, thậm chí rơi vào cảnh đổ bể - Ảnh: Reuters.
Từ mùa hè năm ngoái tới nay, thị trường nhà đất chao đảo, kéo theo sự sụp đổ của thị trường cho vay dưới chuẩn ở Mỹ đã và đang khiến hầu hết mọi ngân hàng trên khắp nước này điêu đứng, thậm chí rơi vào cảnh đổ bể - Ảnh: Reuters.
Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết, số ngân hàng “có vấn đề” ở nước này tính tới quý 4/2008 đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 171 ngân hàng.

Đây là một dấu hiệu nữa khẳng định những khó khăn nghiêm trọng mà hệ thống ngân hàng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối đầu.

Số 171 ngân hàng nằm trong “danh sách đen” này của FDIC chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số 8.500 ngân hàng mà tập đoàn này đứng ra bảo hiểm. Tuy nhiên, con số 171 này đã tăng mạnh so với 117 ngân hàng trong “danh sách đen” ở thời điểm cuối quý 2.

Đây cũng là số ngân hàng có khả năng đổ vỡ cao nhất ở Mỹ tính từ cuối năm 1995 trở lại đây. Như thường lệ, FDIC không tiết lộ danh tính của các ngân hàng này.

“Chúng ta đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng trên thị trường tài chính, và thực tế này càng ngày càng gây tác động tiêu cực lớn hơn đối với nền kinh tế”, Chủ tịch FDIC Sheila Bair nhận định sau khi bản danh sách đáng ngại trên được công bố. Bà Bair cũng cho rằng, danh sách này cho thấy một phần “cơn gió chướng” đang thử thách nước Mỹ.

Từ mùa hè năm ngoái tới nay, thị trường nhà đất chao đảo, kéo theo sự sụp đổ của thị trường cho vay dưới chuẩn ở Mỹ đã và đang khiến hầu hết mọi ngân hàng trên khắp nước này điêu đứng, thậm chí rơi vào cảnh đổ bể. Báo cáo của FDIC cho thấy, số lượng ngân hàng có khả năng bị đóng cửa đang diễn biến theo chiều hướng tăng, và xu thế này đã bắt đầu làm thay đổi diện mạo của ngành.

Cùng với sự gia tăng của số ngân hàng gặp vấn đề, tổng tài sản do các ngân hàng này nắm giữ đã tăng từ mức 78,3 tỷ USD lên mức 115,6 tỷ USD. May thay, con số này phản ánh, không một ngân hàng nào trong số 20 ngân hàng lớn nhất của Mỹ bị lọt vào danh sách, mặc dù những ngân hàng lớn cũng lao đao vì khủng hoảng.

Nhà tư vấn về lĩnh vực ngân hàng Bert Ely tại bang Virginia thì cho rằng, số tài sản trên chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng tài sản của ngành ngân hàng Mỹ, và nhận định: “Đây chỉ là một phần rất nhỏ của ngành ngân hàng”.

Thống kê cho thấy, bình quân có 13% số ngân hàng từng bị lọt vào “danh sách đen” của FDIC đã bị đóng cửa.

Tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng không bị FDIC đưa vào danh sách những vẫn đổ vỡ. Điển hình trong số này là vụ đổ vỡ của hai ngân hàng Washington Mutual và IndyMac - hai vụ đóng cửa ngân hàng lớn nhất ở Mỹ trong năm qua. Bên cạnh đó, Ngân hàng Wachovia suýt vỡ nợ hồi tháng 10 vừa qua nếu không được đối thủ Wells Fargo mua lại, cũng không bị liệt vào danh sách xấu của FDIC.

Từ đầu năm tới nay, đã có 22 ngân hàng ở Mỹ bị đóng cửa. Riêng trong quý 3, có 9 ngân hàng phải giải thể, khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC sụt từ mức 45,2 tỷ USD xuống còn có 34,6 tỷ USD. Trong quý 4, tốc độ vỡ nợ của các ngân hàng Mỹ xem ra đang tăng mạnh, vì mới chỉ từ cuối tháng 9 tới nay đã có tới 9 ngân hàng bị các nhà chức trách cho ngừng hoạt động.

Cũng theo FDIC, các ngân hàng thương mại và tổ chức tiết kiệm do cơ quan này bảo hiểm đã chứng kiến lợi nhuận quý 3 sụt giảm tới 94%, còn có 1,7 tỷ USD, so với mức 27 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Trừ quý 4 năm 2007, đây là mức lợi nhuận hàng quý thấp nhất của các ngân hàng và tổ chức tiết kiệm của Mỹ kể từ quý 4/1990 tới nay. Cũng trong quý 3 vừa qua, các ngân hàng và tổ chức này đã thâm hụt tài sản 27,9 tỷ USD vì nợ xấu.

Thời gian gần đây, các ngân hàng cộng đồng (community bank) - những ngân hàng có tài sản dưới 1 tỷ USD - cũng đã bắt đầu chịu những sức ép tương tự như những gì mà các đối thủ lớn hơn đang phải chịu.

Tuy nhiên, kinh tế gia trưởng James Chessen của Hiệp hội Các nhà ngân hàng Mỹ mới đây nhận định rằng, ngành ngân hàng Mỹ nói chung hiện vẫn có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu tín dụng trong nước. Từ năm ngoái tới nay, lượng cho vay của ngân hàng Mỹ đối với doanh nghiệp nước này đã tăng 8%, còn cho vay cá nhân đã tăng 7%.

Tới thời điểm này, Chính phủ Mỹ đã không từ một nỗ lực nào trong việc cứu hệ thống ngân hàng của nước này, từ chỗ bơm tiền, hạ lãi suất, tới mua vào cổ phần và bảo lãnh nợ cho các ngân hàng.

Hai trong số những nỗ lực mới nhất của Chính phủ Mỹ là vụ giải cứu ngân hàng Citigroup cuối tuần trước và kế hoạch 800 tỷ USD nhằm “phá băng” thị trường tín dụng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố hôm 25/11.

(Theo AP, CNN)