11:01 14/03/2014

“Thêm nhiều quy định tránh làm oan người vô tội”

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)

Vụ 10 năm tù oan của ông Nguyễn Thanh Chấn là câu chuyện được công luận đặc biệt chú ý trong thời gian gần đây - Ảnh: Xuân Long.<br>
Vụ 10 năm tù oan của ông Nguyễn Thanh Chấn là câu chuyện được công luận đặc biệt chú ý trong thời gian gần đây - Ảnh: Xuân Long.<br>
"Luật đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ Hiến pháp giao chưa, có gì sót không?", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), hôm 13/3.

Trình dự án luật, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, phạm vi sửa đổi lần này được xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện về tổ chức và hoạt động của viện kiểm sát nhân dân nhằm thể chế Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu cải cách tư pháp.

Theo đó, dự thảo Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) có 7 chương, 110 điều. So với luật hiện hành giảm 4 chương, nhưng tăng thêm 60 điều, trong đó, sửa đổi 78 điều, bổ sung 32 điều mới, không có điều nào được giữ nguyên.

Trong rất nhiều nội dung mới, dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường trách nhiệm của viện kiểm sát nhân dân sớm hơn, sâu sát hơn theo yêu cầu cải cách tư pháp, để chủ động đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhằm tránh bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội ngay từ khi tội phạm xảy ra. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, ông Bình cho biết.

Nhiều quyền hạn khác của viện kiểm sát nhân dân cũng đã được bổ sung như thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ “các biện pháp cưỡng chế tố tụng khác” (khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên…). Hay thẩm quyền phê chuẩn, không phê chuẩn các lệnh của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho phù hợp với quy định của luật hiện hành

Quy định về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của viện kiểm sát nhân dân cũng được bổ sung. Trong đó, đã xác định rõ các trường hợp viện kiểm sát nhân dân thực hiện điều tra và mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phù hợp với phạm vi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Thẩm tra dự án luật, nhiều ý kiến tại Ủy ban Tư pháp tán thành quy định về cơ quan điều tra của viện kiểm sát nhân dân ngay trong luật. Cơ quan điều tra này chỉ tổ chức ở Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Tuy nhiên, phạm vi thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra của viện kiểm sát điều tra loại tội phạm gì là vấn đề quan trọng phải được quy định trong Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), cơ quan thẩm tra lưu ý.

Trở lại câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết dự thảo luật đã tăng vai trò kiểm sát quyền lực trong các giai đoạn tố tụng của viện kiểm sát, giao cho quyền điều tra xác minh trong nhiều trường hợp chứ không chỉ giới hạn quy định của luật cũ.

Tất cả các quyết định ban hành liên quan đến hạn chế quyền con người đều có giám sát chặt chẽ của viện kiểm sát, nếu không tuân thủ sẽ xử lý theo quy trình vi phạm hình sự, ông Bình khẳng định.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và một số ý kiến khác, dự thảo luật chưa thể hiện rõ nét nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp giao cho viện kiểm sát.

Liên quan đến đảm bảo tính độc lập của các cơ quan tư pháp, dự thảo luật đề xuất phương án kinh phí hoạt động của viện kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao lập dự toán và đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định.

Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là giữ quy định hiện hành “Kinh phí hoạt động của viện kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao lập dự toán và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định”.

Uỷ ban Tư pháp cũng tán thành với phương án này để bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ “thống nhất quản lý kinh tế, trình dự án ngân sách nhà nước trước Quốc hội” đã được quy định tại Hiến pháp.

Tại kỳ họp thứ 7 tới, dự án Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét.