15:16 08/11/2013

Án oan Nguyễn Thanh Chấn và lời nói thẳng trước nghị trường

Nguyên Thảo

Thấy dân bị oan thì kháng nghị là dũng cảm hay là trách nhiệm?

Giọt nước mắt của ông Nguyễn Thanh Chấn ngày được trả tự do sau 10 năm trong tù.<br>
Giọt nước mắt của ông Nguyễn Thanh Chấn ngày được trả tự do sau 10 năm trong tù.<br>
Chấn động dư luận và nóng rực ở hàng ngàn trang báo, cái tên Nguyễn Thanh Chấn với bản án oan sai đã đi vào nghị trường, với cảm nhận riêng và góc nhìn riêng.

4/11, ngày đầu tiên của tuần làm việc thứ ba của Quốc hội, ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị tuyên phạt tù chung thân về tội “giết người” được trả tự do.

Hôm sau, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận toàn thể đầu tiên về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nhưng, công việc quan trọng để đi đến quyết định lịch sử - lập hiến - dường như đã không còn là ưu tiên của các cuộc phỏng vấn bên hành lang Quốc hội.

20 phút nghỉ giải lao giữa giờ của phiên họp sáng 5/11 xem ra quá ngắn khi nhiều vị đại biểu đương nhiệm - cũng là quan chức Chính phủ hoặc là người đứng đầu các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương - hoặc từ chối, hoặc trả lời rất ngắn ngủi, hoặc hẹn sẽ hồi âm khi nhận được câu hỏi bằng văn bản.

Rồi, văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an cũng đến vào buổi chiều. Tướng Trần Đại Quang nhận định: “Quy định của pháp luật tố tụng hình sự nhà nước ta rất chặt chẽ, đầy đủ và cụ thể cho nên nếu để xảy ra oan, sai thì đó là điều rất đáng tiếc”.

Đáng tiếc, đó cũng là điều được nhiều vị đại biểu bày tỏ khi trao đổi với báo chí, dù có hay không có chuyên môn sâu về lĩnh vực tư pháp.

“Việc này giống như nhiều hiện tượng khác đã xảy ra thời gian gần đây. Đó là biểu hiện sự giảm sút của hệ thống pháp luật. Người dân không còn biết bấu víu vào đâu và phải tự tìm mọi cách để cứu mình” , nhà sử học Dương Trung Quốc khái quát.

Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, người từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân của tỉnh này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng các cơ quan nội chính đã dũng cảm khi dám nhìn thẳng về cái sai, thấy sai, nhận sai, dám giải quyết cái sai.

Một số vị đại biểu Quốc hội khác, dù không lên tiếng với báo chí, song cũng có ý chờ nghe các vị đứng đầu cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương chính thức lên tiếng tại nghị trường. Nhất là khi, câu hỏi tại sao viện kiểm sát đã kháng nghị tái thẩm mà không phải là giám đốc thẩm đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí.

Và đến chiều 7/11, trong phiên thảo luận toàn thể về công tác phòng chống tội phạm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đăng đàn.

Ông Bình quả quyết, dù giám đốc thẩm hay tái thẩm thì trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, cả tập thể và cá nhân nếu có cũng đều cũng phải xử lý.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình, ngay sau đó cũng đã cho biết Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã chấp nhận đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao kháng nghị tái thẩm về vụ án này.

Nhấn mạnh án oan sai không phải là hiện tượng cá biệt chỉ có ở Việt Nam, song đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) ngay tại phiên thảo luận nói trên đã thẳng thắn nói rằng, ông không đồng ý với ý kiến cho rằng hành động của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong vụ  này “là một hành động rất dũng cảm”.

“Nếu như chúng ta thấy oan sai phải dũng cảm mới kháng nghị được thì tôi nghĩ rằng nói như thế sẽ không thuyết phục với người dân. Đây là phải là trách nhiệm, đây phải là nghĩa vụ, oan sai rõ ràng như vậy thì phải là trách nhiệm kháng nghị, chứ không thể nói là dũng cảm”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, nếu như đúng theo dư luận báo chí thì yếu tố ép cung là vấn đề cần phải làm rõ, vì nó có thể làm sai lệch việc giải quyết vụ án.

“Tôi tin tưởng rằng nếu như viện kiểm sát làm hết trách nhiệm của mình thì cũng không thể nào dẫn đến việc ép cung, vì nó lớn như vậy chứ không phải là cái kim mà có thể giấu được”, ông Cường nói.

Lời nói thẳng của đại biểu Cường đã nhận được sự đồng cảm của không ít các vị khác. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng chụp mũ oan thì minh oan là trách nhiệm.

Ông Vân cũng nhận xét lời giải thích của cả Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đều không đủ thuyết phục. Bởi vụ việc này không thể kháng nghị tái thẩm mà phải tiến hành giám đốc thẩm.

Vẫn bảo vệ quan điểm tái thẩm, nhưng Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Trung tướng Trần Văn Độ cũng đồng tình với nhận xét, thấy dân bị oan thì kháng nghị thì không nên cho là dũng cảm mà là trách nhiệm. Bởi quản lý nhà nước luôn phải coi dân là trung tâm. Còn về trách nhiệm pháp lý thì giám đốc thẩm hay tái thẩm đều như nhau.

Nhìn từ trách nhiệm của cơ quan lập pháp là Quốc hội, tướng Trần Văn Độ cho rằng pháp luật tố tụng của Việt Nam cũng còn những khiếm khuyết song cũng không đến mức làm oan cho người vô tội.

Là người trực tiếp tham gia soạn thảo một số nội dung tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông cho biết nguyên tắc suy đoán vô tội tại đây đã có thay đổi theo hướng chắc chắn hơn. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử cũng được bổ sung để tăng cường tính dân chủ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng cho rằng, nếu nguyên tắc suy đoán vô tội trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp được quán triệt thì oan sai cũng sẽ hạn chế xảy ra.

“Qua vụ việc này, việc chúng ta cần làm không chỉ là giải quyết một vụ việc cụ thể mà qua đó cần phải có chính sách, phương án giải pháp hành động cụ thể nhằm không để hoặc hạn chế thấp nhất án oan sai”, đại biểu Cường đã nói trước Quốc hội như thế.

Không ít vị đại biểu khác cũng tâm tư về trách nhiệm bấm nút của mình, khi “khủng hoảng niềm tin” như nhận xét của đại biểu Nguyễn Đình Quyền, đâu phải chỉ bởi án oan. Khi biết bao vụ việc ảnh hưởng tiêu cực cho dân thì trách nhiệm vẫn ở trong... không khí, còn việc đúng trách nhiệm phải làm cho dân thì được coi là dũng cảm.