Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cơ sở gặp nhiều khó khăn
Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Những vấn đề đặt ra từ việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cơ sở của thành phố Hà Nội", ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chia sẻ, mặc dù triển khai tích cực, bài bản nhưng mô hình triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành tại các quận, huyện, phường, xã vẫn gặp khó khăn do hệ thống quy phạm pháp luật.
Ông Lê Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho hay, công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm là một chuỗi các hoạt động quản lý nhà nước bao gồm từ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào (giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật) tới các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, giết mổ, sơ chế, chế biến và cung ứng thực phẩm tới tay người tiêu dùng. Chính vì vậy Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu nhiều giải pháp quản lý được xuyên suốt quá trình sản xuất thực phẩm từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.Tình trạng nể nang, né tránh đã từng bước được khắc phụcViệc quản lý an toàn thực phẩm trên nguyên tắc quản lý nguy cơ, tập trung nguồn lực, các giải pháp kiểm soát nguy cơ trọng yếu ví dụ như thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm trồng trọt như rau, quả, chè…; dư lượng kháng sinh, thuốc thú y trên sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản; phụ gia, hóa chất trên sản phẩm chế biến… Nếu không kiểm soát tốt các mối nguy này tại các khâu sản xuất thì việc kiểm soát nguy cơ tại các khâu sau cũng không có ý nghĩa."Trên thực tế, việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên diện hẹp tại 5 quận, huyện với 10 xã, phường từ năm 2016 đã cho thấy, việc xử lý vi phạm tại cấp xã, phường vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy, làm thế nào để khắc phục tình trạng nể nang, né tránh do quen biết, tình làng nghĩa xóm của lực lượng thanh tra cấp xã, phường trước những vi phạm về an toàn thực phẩm?" Về điều này, ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội chia sẻ, đây là điểm mà trong báo cáo đánh giá hằng năm về an toàn thực phẩm đã được nêu lên để các xã, phường phải thực hiện đúng thẩm quyền. Cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm do cấp xã quản lý thường là các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất kinh doanh tính thời vụ, doanh số thu hằng ngày rất thấp, chủ cơ sở thường là người quen, có tình làng nghĩa xóm, anh em họ hàng.Qua thí điểm thanh tra chuyên ngành đợt 1, việc xử phạt của các xã rất thấp. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, kế hoạch thanh tra đợt này là giao tất cả các quận, huyện, xã, phường thanh tra 50% tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm; ban hành quy định, trong một năm xã phạt tối thiểu 3 triệu, phường phạt tối thiểu 5 triệu... Đến nay, sau 4 tháng triển khai, tổng số cơ sở xã, phường xử phạt là gần 400 cơ sở/1.800 cơ sở được thanh tra, cao hơn nhiều so với trước, cho thấy tình trạng nể nang né tránh đã dần từng bước được khắc phục.Cần thực hiện thanh tra ở các khu vực khác nhau
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhìn nhận, việc triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm là rất cần thiết, đặc biệt là tuyến quận/huyện/thị xã. Để làm tốt công tác này trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ để bổ sung lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm theo quy định do Trường cán bộ Thanh tra - Thanh tra Chính phủ cấp. Cùng với đó, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thanh tra cho các cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các tuyến, đặc biệt là tuyến xã, phường…Về công tác đào tạo thanh tra an toàn thực phẩm, ông Đỗ Hữu Tuấn thông tin, việc đào tạo thanh tra chuyên ngành từ trước đến nay là đào tạo cán bộ an toàn thực phẩm thêm kiến thức về thanh tra và quản lý nhà nước nên nặng về nghiệp vụ thanh tra. Việc đào tạo sâu về chuyên ngành trong hoạt động thanh tra là điều cần xem xét thực hiện. Hiện nay, các ban, ngành Hà Nội đã nhận thức về vấn đề này nên đã tổ chức bồi dưỡng 23 lớp cho cán bộ chuyên ngành. Đây là kinh nghiệm cần nhân rộng cho các tỉnh khác. Về các khó khăn gặp phải trong quá trình thanh tra, ông Tuấn cho biết, nguồn nhân lực hiện nay không có cán bộ chuyên trách trong an toàn thực phẩm mà vẫn đang sử dụng cán bộ kiêm nhiệm.Thời gian tới, các ngành sẽ đánh giá lại việc sử dụng cán bộ như vậy có đáp ứng được đủ nhu cầu địa phương hay không? Nếu cho rằng, cán bộ kiêm nhiệm chưa đủ thì sẽ có kiến nghị, đề xuất đào tạo cán bộ chuyên trách. Về chuyên môn nghiệp vụ, hiện nay, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương đã thí điểm thực hiện Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ. Cục an toàn thực phẩm đề xuất dùng cán bộ đã thực hiện thí điểm trước đây tham gia vào đoàn thanh tra kiểu mẫu của các quận, huyện còn lại.Bên canh đó, ông Tuấn đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương hỗ trợ về mặt chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có thanh tra y tế, thanh tra nông nghiệp. Cục an toàn thực phẩm cũng đề xuất cần thực hiện thanh tra ở các khu vực khác nhau: Ở nội thành tập trung thanh tra thức ăn đường phố, còn ở ngoại thành quan tâm vấn đề liên quan đến nông nghiệp. Về việc thanh tra chồng chéo, ông Đỗ Hữu Tuấn đề xuất, mỗi cơ sở chỉ thanh tra theo kế hoạch 1 lần/năm. Trong trường hợp vi phạm thì đề xuất thanh tra đột xuất. Ngoài ra, việc thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được đề xuất xem xét, sửa đổi lại để phù hợp với tình hình thực tế.