10:29 26/08/2008

“Thị trường chứng khoán là thế đấy”

N.Thành - T.Uyên

Đại diện Templeton Asset Management bày tỏ những kinh nghiệm trong đầu tư chứng khoán

Tiến sĩ Mark Mobius.
Tiến sĩ Mark Mobius.
Tập đoàn quản lý quỹ đầu tư Franklin Templeton Investments vừa bước thêm “một chân” nữa vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bằng việc lập văn phòng đại diện của Công ty Templeton Asset Management tại Tp.HCM.

Nhân dịp này, TS. Mark Mobius, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Templeton Asset Management đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi, xoay quanh những kinh nghiệm đầu tư chứng khoán của Templeton.

Nói về thị trường chứng khoán Việt Nam, xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam hiện nay thường là ngắn hạn. Thế còn chu kỳ đầu tư của Templeton là bao lâu?

Những nhà đầu tư cá nhân thường quan tâm đến đầu tư ngắn hạn, còn các quỹ đầu tư thì thường đầu tư dài hạn và có chu kỳ. Chưa kể mỗi quỹ đầu tư có mục đích và chiến lược riêng.

Riêng với Templeton, thông thường, chu kỳ đầu tư của Templeton là 5 năm. Cụ thể như khi Brazil đạt mức lạm phát trên 20%, không ai dám mua vào cổ phiếu, nhưng Templeton đã “ôm” vào rất nhiều cổ phiếu và đã thắng đậm sau đó 5 năm.

Chúng ta phải xác định khung thời gian. Khung thời gian mà các nhà đầu tư cần phải bám vào thị trường là 5-10 năm. Nếu chúng ta không xác định được khung thời gian đầu tư trong dài hạn thì sẽ không thành công.

Khi thấy thị trường chứng khoán ảm đạm kéo dài, câu mà nhiều nhà đầu tư thường hay hỏi tôi là khi nào thị trường tăng trở lại. Và tôi luôn trả lời rằng chắc chắn thị trường sẽ lên, nhưng rồi nó sẽ giảm. Vấn đề là bạn chọn chu kỳ đầu tư như thế nào để đạt được mục tiêu.

Làm thế nào để chọn lựa chu kỳ đầu tư theo kinh nghiệm của Templeton? Và khi nào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng mạnh mẽ trở lại, thưa ông?

Thị trường chứng khoán là thế đấy, tăng rồi giảm và giảm rồi sẽ tăng lại. Không có một chu kỳ đầu tư chung cho tất cả các thị trường, mỗi thị trường sẽ có một chu kỳ tăng giảm khác nhau.

Rất khó để tôi trả lời là thời điểm nào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng. Nhưng điều mà tôi có thể khẳng định được là chắc chắn thị trường sẽ tăng và giá trị sẽ cao hơn rất nhiều, có thể là trong vòng 2 hay 3 năm nữa; đồng thời quy mô của thị trường cũng sẽ lớn hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ thấy số lượng các công ty niêm yết tăng lên nhiều hơn.

Tôi có lời khuyên rất quan trọng dành cho các nhà đầu tư là họ cần có sự kiên nhẫn.

Được biết, xu hướng đầu tư của Franklin Templeton là lựa chọn các cổ phiếu được định giá thấp tại các thị trường mới nổi. Cách định giá cổ phiếu của Templeton như thế nào, thưa ông?

Các chuyên gia đầu tư thuộc bộ phận đầu tư vào các thị trường mới nổi của chúng tôi sẽ tiến hành các nghiên cứu công ty quy mô nhằm xác định, phân tích đầu tư vào các cổ phiếu được định giá thấp nhưng hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao. Việc các chuyên gia phân tích có mặt tại thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ giúp rất nhiều cho các nghiên cứu của chúng tôi, tạo điều kiện cho chúng tôi gặp gỡ các công ty thường xuyên hơn và hiểu rõ về hoạt động của họ.

Theo chúng tôi, Việt Nam là một thị trường mới nhưng đầy tiềm năng. Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tăng trưởng thành một trong những thị trường quan trọng nhất của châu Á và chúng tôi mong muốn mang lại cho các nhà đầu tư cơ hội tận dụng lợi thế từ sự tăng trưởng đó.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm đầu tư của Franklin Templeton vào một công ty? Theo ông khi đầu tư vào một công ty chúng ta cần quan tâm điều gì?

Kinh nghiệm của Templeton là khi đầu tư vào một công ty, thứ nhất, bạn cần phải xem xét giá trị, đội ngũ quản lý và ban lãnh đạo công ty đó như thế nào? Xu hướng mở rộng hoạt động của công ty đó ra sao? Cách làm việc của họ có chuyên nghiệp hay không? Tầm nhìn của họ như thế nào? Có được đội ngũ ban lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn thì mới đưa ra được chiến lược rõ ràng cho công ty và đưa công ty đó phát triển trong tương lai.

Thứ hai là sự an toàn: khi xem xét đầu tư vào một công ty các nhà đầu tư nên chú ý sự an toàn tuyệt đối, và khả năng tài chính của công ty đó, khả năng họ sẽ phá sản như thế nào? Các yếu tố này không thể bỏ qua.

Thứ ba, khi đã đầu tư, các nhà đầu tư phải xác định thời điểm để đầu tư. Thời điểm mua vào tốt nhất, theo Templeton, là khi mọi người đã hoàn tất việc bán ra cổ phiếu của công ty đó.

Và cuối cùng, điều quan trọng là không nên đầu tư theo đám đông. Nếu đầu tư theo những người khác thì sẽ không có lợi cho mình. Bác sĩ, luật sư khuyên làm gì thì bạn nên làm theo, nhưng khi các quỹ đầu tư khuyên mua cổ phiếu thì bạn nên bán nó đi.

Templeton sẽ quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực nào tại Việt Nam và dự kiến số vốn dành cho thị trường này là bao nhiêu, thưa ông?

Các lĩnh vực mà chúng tôi quan tâm như: ngân hàng; sản xuất, và nông ngư nghiệp. Việt Nam có bờ biển trải dài rất thuận tiện cho việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt như cá da trơn. Ngoài ra đất nông nghiệp Việt Nam cũng rất tốt, đây cũng là lý do để chúng tôi có mặt ở đây, chúng tôi đã đầu tư vào một công ty chế biến trà và cà phê.

Hiện nay tổng giá trị tài sản của chúng tôi là 33 tỷ USD, và quy định là không được đầu tư quá 20% cho một thị trường, như vậy nếu tính sơ thì vào khoảng 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu, Templeton sẽ tập trung phát triển các hoạt động nghiên cứu và xúc tiến các dự án tài chính đóng góp cho sự phát triển của thị trường chứng khoánViệt Nam. Đây cũng là một điểm nhấn trong cam kết lâu dài của Quỹ với ngành dịch vụ tài chính của Việt Nam.