09:07 20/01/2011

Thị trường Nhật đang hấp dẫn tu nghiệp sinh Việt Nam

Vũ Quỳnh

Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản đang là thị trường hấp dẫn đối với lao động Việt Nam

Vấn đề hậu tu nghiệp đang được đặt ra với tu nghiệp sinh Việt Nam.
Vấn đề hậu tu nghiệp đang được đặt ra với tu nghiệp sinh Việt Nam.
Mặc dù không phải là nơi tiếp nhận số lượng lớn lao động hàng năm, song thị trường Nhật Bản vẫn được đánh giá là hấp dẫn khi thu nhập của tu nghiệp sinh Việt Nam tại thị trường này khá cao.

82 doanh nghiệp Việt Nam và 51 tổ chức tiếp nhận Nhật Bản đã có mặt tại cuộc Hội thảo “ Xúc tiến việc đưa thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam sang Nhật Bản” do Cục Quản lý lao động ngoài nước và Tổ chức hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO) tổ chức ngày 19/1.

Thời điểm thuận lợi

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp khai thác thị trường Nhật Bản và các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thì đây đang là thời điểm thuận lợi cho tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật.

Tại hội thảo , ông Kensuke Tsuzuki, Phó chủ tịch phụ trách hợp tác quốc tế JITCO cho biết, tu nghiệp sinh Việt Nam đang được đánh giá cao tại Nhật Bản. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, các cơ quan tiếp nhận Nhật Bản đã chú ý nhiều hơn đến tu nghiệp sinh Việt Nam.

Ông Kensuke Tsuzuki đưa ra dẫn chứng cụ thể là số lượng tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản đã tăng lên hàng năm, gần đây lên tới 4.000 người/năm. Hiện Việt Nam có khoảng 35.000 tu nghiệp sinh đang học tập và làm việc tại Nhật, đang là nước có số lượng tu nghiệp sinh lớn thứ hai, sau Trung Quốc, trong 14 nước đưa tu nghiệp sinh sang Nhật Bản.

“Đặc biệt, năm 2010, số lượng tu nghiệp sinh Việt Nam được tiếp nhận tăng 25% so với năm 2009. Năm 2011, hai bên sẽ tăng cường các kế hoạch hợp tác để tăng số lượng tu nghiệp sinh Việt Nam”, đại diện JITCO khẳng định.

Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp cũng tỏ ra lạc quan khi  Luật Quản lý xuất nhập cảnh và Công nhận tị nạn của Nhật Bản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010, có điều chỉnh một số nội dung có lợi hơn cho tu nghiệp sinh.

Theo luật này, tu nghiệp sinh được công nhận tư cách lao động,  ký hợp đồng lao động và làm thêm giờ ngay trong năm đầu tiên, cũng có nghĩa là có điều kiện để tăng thu nhập.

Ngoài ra, việc bỏ thu tiền đặt cọc mà các doanh nghiệp Việt Nam vẫn áp dụng với lao động được coi là thay đổi lớn  khi khoản thu này đã từng là gánh nặng về kinh tế đối với người lao động .

Đánh giá về thị trường Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Doãn Mậu Diệp cũng khẳng định  nhiều lợi thế cho lao động Việt Nam tại thị trường này.

Theo Thứ trưởng Diệp, ngoài sự cần cù, chăm chỉ, nhanh nhạy và khéo léo của bản thân lao động thì mối quan hệ hữu nghị và hợp tác gắn bó và toàn diện giữa hai nước tạo nhiều cơ hội cho chính  lao động Việt Nam. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam cũng đã có hợp tác với JITCO trong đào tạo tay nghề, phương pháp làm việc cho một bộ phận thanh niên các địa phương.

Quan tâm hậu tu nghiệp

Một trong những vấn đề mà các nghiệp đoàn, tổ chức tiếp nhận Nhật Bản quan tâm trong chương trình đưa lao động Việt Nam sang tu nghiệp tại Nhật Bản chính là hậu tu nghiệp.

Theo giải thích của các nghiệp đoàn, nếu làm không tốt khâu giúp đỡ, tạo việc làm cho lao động sau khi hết thời gian tu nghiệp tại Nhật Bản về nước sẽ làm gia tăng tỷ lệ bỏ trốn, sống bất hợp pháp tại nước này.

“Thực tế, nếu nhìn trước thấy cảnh sau khi về nước sẽ lại không có việc làm, hay không được làm đúng nghề mình đã được học ở Nhật, lao động sẽ tìm mọi cách để ở lại kiếm việc. Vì thế, để tránh lao động bất hợp pháp, cả tổ chức tiếp nhận và doanh nghiệp môi giới Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác hậu tu nghiệp sinh”, đại diện một nghiệp đoàn Nhật Bản chia sẻ.
       
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho rằng, các doanh nghiệp dịch vụ trong nước cần có sự liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam để  có thể có những vị trí công việc phù hợp với tu nghiệp sinh sau khi về nước, tránh lãng phí nguồn lực được đào tạo bài bản  này.

Còn ông Lê Đức Trường, Phó phòng Nhật Bản, Công ty Xuất khẩu lao động Suleco thì cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần có phòng giới thiệu việc làm trong nước để nắm bắt nhu cầu và giới thiệu việc làm cho tu nghiệp sinh  hoặc trợ giúp tu nghiệp sinh nếu họ muốn thành lập doanh nghiệp với chuyên môn đã được học hỏi tại Nhật Bản.

Ông Trường cũng cho biết thêm, riêng phòng giới thiệu việc làm của Suleco đã giới thiệu cho hàng chục tu nghiệp sinh về nước làm phiên dịch trong các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Cũng không ít người sau khi tu nghiệp về nước qua Suleco đã trở thành chủ doanh nghiệp quản lý hàng chục lao động.