10:22 01/09/2010

Thị trường sữa sẽ dần ổn định

Diệu Hương

Tổ điều hành thị trường trong nước đành giá tình hình thị trường và diễn biến giá cả một số mặt hàng trọng yếu

Từ đầu tháng 8 giá sữa nhập khẩu đã được các đơn vị kinh doanh điều chỉnh ở mức giá mới với lý do thay đổi mẫu mã, chi phí đầu vào tăng.
Từ đầu tháng 8 giá sữa nhập khẩu đã được các đơn vị kinh doanh điều chỉnh ở mức giá mới với lý do thay đổi mẫu mã, chi phí đầu vào tăng.
Thuốc chữa bệnh biến động do giá nguyên liệu và chi phí tăng lên; gạo, thủy sản, thịt gà lên giá nhẹ, trong khi sắt thép chững lại; xi măng, sữa ổn định và đường có thể giảm giá trong thời gian tới…

Tổ điều hành thị trường trong nước mới đây đã đưa dự báo tình hình giá cả thị trường trong nước một số mặt hàng trọng yếu.

Giá lúa gạo tăng nhẹ

Theo báo cáo, do giá lúa mỳ tăng mạnh, nhu cầu nhập khẩu gạo tăng cao ở các nước châu Phi, Trung Đông và Trung Quốc, hỗ trợ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong tháng 8.

Gạo xuất khẩu chào giá vào ngày 24/8 ở mức, loại 100%B Thái Lan giá 470 USD/tấn FOB, tăng 30 USD/tấn so với cuối tháng 7; gạo 5% tấn Việt Nam giá 450 USD/tấn FOB, tăng tương ứng 90-100 USD/tấn.

Ở trong nước, do nhu cầu thu mua của doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng để chuẩn bị nguồn hàng cho các hợp đồng mới ký, ngoài ra một phần còn do tác động tâm lý từ thông tin thương nhân mua vét gạo để xuất khẩu số lượng lớn sang Trung Quốc đã đẩy giá lúa gạo tại các tỉnh phía Nam tăng mạnh, đặc biệt trong các ngày 9-11/8.

Đến nay, thị trường lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long đã dần ổn định, tuy nhiên do nguồn cung mới đã giảm, cùng với tác động của giá thế giới tăng nên giá lúa, gạo trong nước vẫn tăng nhẹ, hiện phổ biến ở mức gạo nguyên liệu 5% tấm 6,2-6,5 nghìn đồng/kg, gạo tẻ thường 7,5-8,5 nghìn đồng/kg; tại miền Bắc giá lúa gạo nhìn chung ổn định ở mức gạo tẻ thường giá 7,5-9 nghìn đồng/kg.

Xuất khẩu gạo năm 2010 lũy kế đến 20/8 đã đạt 4,385 triệu tấn, trị giá FOB là 1,894 tỷ USD. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu cho năm 2010 lên đến 6,2-6,3 triệu tấn.

Báo cáo cho rằng, trong thời gian tới do tác động của giá lúa gạo thu mua phục vụ xuất khẩu nên giá lúa gạo trong nước còn tăng nhẹ.

Thịt gà và thủy sản nhích giá

Cũng theo báo cáo, thời tiết không thuận lợi cho cây trồng phát triển, nguồn cung rau củ hạn chế nên giá có xu hướng tăng, trong khi đó, giá thịt lợn giảm mạnh tại một số vùng còn dịch bệnh. Do tiêu dùng thịt lợn giảm, một số loại thịt thay thế như thịt bò, gà, thủy sản tăng giá.

Theo Tổ điều hành, giá thịt hợn đã giảm từ 3-5 nghìn đồng/kg tùy loại và tùy khu vực. Tuy nhiên, giá thịt gà tăng mạnh, từ 10-15 nghìn đồng/kg so với tháng trước do tháng 8 có rằm tháng 7 (âm lịch).

Thị trường bánh trung thu năm nay tăng giá khoảng 10-20% so với năm trước do nguyên liệu đầu vào như bột mỳ, đường và chi phí nhân công, vận chuyển tăng hơn.

Thị trường sữa sẽ dần ổn định

Trong tháng 8, giá sữa tại thị trường châu Úc, Tây Âu tiếp tục giảm so với tháng trước. Giá sữa bột gầy tại thị trường châu Úc dao động trong khoảng 2,8-3 nghìn USD/tấn, giảm 4% so với tháng trước, 3,5% so với hồi đầu năm, nhưng vẫn tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái; sữa nguyên kem ở mức 2,9-3,4 nghìn USD/tấn, giảm tương ứng 3,05%, 5,9% và tăng 40,5%.

Tại Tây Âu, sữa bột gầy ở mức 2,725-2,95 nghìn USD/tấn, giảm 3,7% so với tháng trước, 4,5% so với đầu năm và tăng 19% so với cùng kỳ; sữa nguyên kem giá 3,475-3,7 nghìn USD/tấn, giảm tương ứng 1,3%, 0,4% và tăng 30%.

Ở trong nước, từ đầu tháng 8 giá sữa nhập khẩu đã được các đơn vị kinh doanh điều chỉnh ở mức giá mới với lý do thay đổi mẫu mã, chi phí đầu vào tăng. Trước tình hình này, trong tháng 8, Bộ Tài chính cũng đã ra thông tư quy định việc thực hiện đăng ký giá đối với sữa công thức dạng bột cho cho trẻ em dưới 6 tuổi và đưa sữa vào mặt hàng bình ổn, kiểm soát hình thành giá.

Tổ điều hành cho rằng, với thông tư này, giá sữa trên thị trường sẽ từng bước đi vào quản lý và sẽ dần ổn định.

Tiêu thụ yếu, giá thép có thể chững lại

Giá nguyên liệu thép thế giới vẫn tiếp tục tăng trong tháng qua do một số nhà sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… cắt giảm sản lượng.

Tại thị trường Đông Nam Á, giá chào phôi từ nguồn CIS và Thổ Nhĩ Kỳ hiện dao động ở mức 580-600 USD/tấn, tăng 30-50 USD/tấn so với cuối tháng 7. Giá chào phôi Asean cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện ở mức 600-610 USD/tấn. Giá thép phế cũng tăng 30-40 USD/tấn so với cuối tháng trước, HMS1/2 (80:20) hiện dao động ở mức 415-420 USD/tấn.

Sản xuất và tiêu thụ thép trong nước tiếp tục tăng cao trong tháng 8 do nhu cầu mua vào của đại lý phân phối tăng trước lo ngại giá thép thế giới có thể còn lên. Ước lượng thép xây dựng sản xuất tháng 8 đạt 450 nghìn tấn, tăng khoảng 27 nghìn tấn so với tháng 7. Lượng thép tiêu thụ tháng 8 ước đạt 450 nghìn tấn, giảm khoảng 81 nghìn tấn so với tháng trước. Đến cuối tháng 8, tồn kho thép thành phẩm ước khoảng 250 nghìn tấn, phôi khoảng 490 nghìn tấn.

Theo Bộ Công Thương, nhập khẩu thép các loại trong tháng 8 đạt 0,6 triệu tấn, trong đó phôi 0,11 triệu tấn. Tổng cộng, trong 8 tháng qua nhập khẩu thép đạt 5,328 triệu tấn với kim ngạch 3,705 tỷ USD, giảm 12,6% về lượng và tăng 15% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2009; trong đó nhập khẩu phôi thép đạt 1,609 triệu tấn và 653 triệu USD, giảm 24,9% về lượng và giảm 3% về giá trị.

Báo cáo của Tổ điều hành cho biết, mặc dù tiêu thụ thép giảm so với tháng trước nhưng trong tháng 8 các doanh nghiệp thép tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán đầu nguồn từ 0,25-0,6 triệu đồng/tấn so với cuối tháng 7. Giá bán lẻ thép cũng tăng khoảng 0,3-0,5 triệu đồng/tấn.

Tổ điều hành dự báo, sang tháng 9 giá thép có thể chững lại do nhu cầu tiêu thụ còn yếu.

Giá xi măng tiếp tục ổn định

Tháng 8/2010, sản xuất và tiêu thụ xi măng tăng nhẹ so với tháng trước. Ước lượng xi măng sản xuất đạt 4,49 triệu tấn, tăng 0,29 triệu tấn so với tháng trước; tiêu thụ đạt 4,51 triệu tấn, tăng 0,7 triệu tấn so với tháng 7; nhập khẩu clinke tháng 8 khoảng 0,11 triệu tấn. Tồn kho xi măng đến cuối tháng 8 là 0,47 triệu tấn; clinke là 1,65 triệu tấn.

Theo Tổ điều hành, giá bán lẻ xi măng trong tháng 8 nhìn chung ổn định và giảm nhẹ tại một số địa phương do nguồn cung dồi dào. Giá bán đầu nguồn tại nhà máy giảm khoảng 10 nghìn đồng/tấn.

Hiện nay, giá bán tại nhà máy các đơn vị trực thuộc và liên doanh với Tổng công ty Xi măng dao động khoảng 887-920 nghìn đồng/tấn (PCB30); từ 910-1.250 nghìn đồng/tấn (PCB40). Giá bán lẻ xi măng trên thị trường phổ biến ở mức, miền Bắc từ 930-1.130 nghìn đồng/tấn; phía Nam từ 1.100-1.250 nghìn đồng/tấn.

Tổ điều hành dự báo, trong tháng 9, giá xi măng tiếp tục ổn định.

Giá dầu thô tháng 9 khoảng 70-80 USD/thùng

Giá xăng dầu thế giới trong tháng 8 nhìn chung đã giảm so với tháng 7 nhưng với biên độ thấp. Nguyên nhân là do thị trường phản ứng trước những thông tin đáng lo ngại về tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại và dự trữ của Mỹ tăng hơn.

Trên thị trường New York, dầu thô ngọt nhẹ giao kỳ hạn từ 80,34 USD/thùng (ngày 2/8) và tăng nhẹ lên 82,55 USD/thùng (ngày 3/8), mức giá cao nhất trong 12 tuần trước đó. Tuy nhiên ngay sau đó, giá dầu thô liên tục giảm và hiện dao dịch quanh mức 72 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 6/7.

Tại thị trường Singapore, giá xăng dầu thành phẩm trong tháng 8 tăng nhẹ so với tháng 7: xăng A92 tăng 3%, dầu diesel tăng 4%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2009, giá xăng dầu thành phẩm vẫn cao hơn từ 3-13%.

Tổ điều hành dự báo, giá dầu trong tháng 9 chỉ dao động trong khoảng 70-80 USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước tiếp tục điều chỉnh theo diễn biến giá thế giới.

Thuốc có thể biến động nhẹ về giá

Trong tháng 8, giá trị thuốc chữa bệnh sản xuất trong nước đạt khoảng 70 triệu USD, nhập khẩu khoảng 90 triệu USD thuốc thành phẩm và 15 triệu USD nguyên liệu.

Trong tháng, một số mặt hàng có điều chỉnh tăng/giảm với biên độ nhỏ chủ yếu do nhu cầu thị trường và tác động của chi phí đầu vào tăng lên (do biến động giá nguyên liệu, điều chỉnh tỷ giá, tăng giá xăng dầu…).

Báo cáo của Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược cho biết, qua khảo sát 60 cơ sở sản xuất kinh doanh dược, có 21 cơ sở có điều chỉnh giá bán trong tháng 8 nhưng cả với các mặt hàng lên giá và giảm giá đều với biên độ hẹp.

Theo dự báo của Tổ điều hành, những tháng cuối năm, thị trường dược phẩm cơ bản ổn định, cung cầu về thuốc cân đối, đáp ứng đủ nhu cầu phòng, chữa bệnh. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, giá thuốc nội và ngoại sẽ có biến động nhẹ, phụ thuộc vào giá nhập khẩu và tác động chi phí đầu vào.