10:34 13/02/2009

Thị trường thông tin di động và “cuộc chơi 100 triệu”

Các nhà cung cấp dịch vụ đang ráo riết chạy đua để hướng đến “cột mốc” 100 triệu khách thuê bao

Hiện đang dẫn đầu về lượng thuê bao di động, ưu thế trong "cuộc chơi 100 triệu" đang có phần nghiêng về Vietel - Ảnh: Tuấn Linh.
Hiện đang dẫn đầu về lượng thuê bao di động, ưu thế trong "cuộc chơi 100 triệu" đang có phần nghiêng về Vietel - Ảnh: Tuấn Linh.
Thị trường thông tin di động Việt Nam vài năm gần đây có mức tăng trưởng rất cao, nhất là trong năm 2008.

Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ đang ráo riết chạy đua để hướng đến “cột mốc” 100 triệu khách thuê bao - con số được cho là đạt ngưỡng bão hòa của thị trường…  

Năm 2004, Việt Nam mới chỉ có khoảng 4 triệu số thuê bao di động, nhưng đến cuối năm 2008 con số này đã lên đến 65 triệu. Theo tính toán của các nhà cung cấp dịch vụ thì tổng số dân sử dụng điện thoại di động ở Việt Nam vào khoảng 62 triệu người, chiếm 70% dân số cả nước. Đây là một tỷ lệ khá cao, hơn cả Trung Quốc.

Ông Eddie Ahman, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, nhận xét thị trường viễn thông Việt Nam đang có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

100 triệu số thuê bao vào năm 2010

Ở Singapore, Nhật, Đài Loan toàn bộ dân cư đều sử dụng dịch vụ di động, và có lúc số thuê bao di động lớn hơn cả số dân của họ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), nhận định: “Sẽ đến lúc mỗi người dân Việt Nam sử dụng một hoặc hai máy điện thoại di động. Do đó, với 85 triệu dân, cái đích 100 triệu số thuê bao của thị trường di động Việt Nam sẽ đạt được vào khoảng năm 2010. Ước tính này dựa trên tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường di động những năm gần đây”.  

Một câu hỏi được đặt ra là sau khi đạt con số 100 triệu, thị trường bão hòa thì các mạng di động sẽ tiếp tục hoạt động như thế nào.

Trả lời câu hỏi này, ông Hùng cho hay, lúc đó các mạng di động phải tìm cách hợp tác để cung cấp dịch vụ thanh toán trên điện thoại di động, hoặc phải tìm cách tăng doanh thu bằng việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng…  

Chuẩn bị cho kế hoạch này, Viettel đã thành lập Công ty Viettel Media chuyên cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng. MobiFone cũng mới thành lập Trung tâm Giá trị gia tăng với 50 nhân sự. Trung tâm này sẽ quản lý việc cung cấp hơn 30 dịch vụ cho khách hàng, đồng thời nghiên cứu để triển khai thêm các dịch vụ mới.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone, cho biết hoạt động kinh doanh trong tương lai của các mạng di động là đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ gắn liền với tiện ích cuộc sống trên điện thoại di động.

“Sẽ có ba nhóm dịch vụ chính được MobiFone cung cấp trong hạ tầng công nghệ 3G là video, thương mại điện tử (thanh toán điện tử) và dịch vụ thông tin xã hội”, ông Minh cho biết.  

Vận hành hết công suất

Bên cạnh việc chuẩn bị cung cấp các dịch vụ, cùng chung mục tiêu hướng đến cột mốc 100 triệu số thuê bao, các mạng di động sẽ chạy đua để thu hút khách thuê bao mới trước khi thị trường bão hòa. Hiện tất cả các nhà cung cấp đều vận hành hết công suất, và đều có chiến lược riêng để thực hiện mục tiêu của mình.

Với lợi thế là mạng di động ra đời sớm nhất, MobiFone có chiến lược ngay từ đầu là tập trung vào các thành phố lớn, với khách hàng có thu nhập cao. Song, gần đây hãng này đã tập trung đầu tư nhiều hơn để thu hút khách hàng mới ở khu vực nông thôn bằng cách lắp đặt thêm trạm thu và phát sóng và tung ra gói cước Mobi365.

Nhưng, về các chính sách giá cước và khuyến mãi trong thời gian gần đây, dường như MobiFone không còn giữ được sự chủ động như cách đây gần hai năm, khi còn đang ở vị trí số một trên thị trường.

Gần đây, một số “bước đi” của MobiFone khá giống với những gì mà Viettel thực hiện trước đó như gói cước MobiQ (ra đời sau gói Tomato với các cơ chế tương tự như cách tính cước, thời hạn nghe); tặng tiền cho người nhận cuộc gọi; chương trình khuyến mãi vào giờ thấp điểm (từ 23-  6 giờ)...

Về dịch vụ giá trị gia tăng, MobiFone đã từng được đánh giá là nhà khai thác đi đầu trong việc đưa ra các dịch vụ mới như GPRS, nhạc chuông chờ, tải biểu tượng, tải nhạc chuông… Nhưng trong một năm trở lại đây, hầu như không thấy xuất hiện những “đột phá” như thế nữa ở nhà cung cấp này.  

Trong khi đó, thế mạnh lớn nhất của Viettel là tốc độ xây dựng trạm phát sóng mới. Tham gia thị trường sau, nên Viettel xác định chiến lược là “mạng lưới đi trước, kinh doanh đi sau”. Viettel ít nhiều đã tạo những được cảm nhận tốt nơi khách hàng về vùng phủ sóng rộng, dịch vụ ít bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu Viettel đã xác định trở thành mạng di động giá rẻ nhắm đến đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình và thấp (chiếm trên 90% dân số Việt Nam).

Về chiến lược tiếp cận khách hàng, Viettel đã tìm kiếm những phân khúc thị trường mới như: những khách hàng có nhu cầu nghe nhiều (gói cước Tomato), đối tượng trẻ thích sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng (như gói cước Ciao). Và mạng này đã “bắt” nhanh cơ hội để liên tục đưa ra các dịch vụ mới mang lại doanh thu lớn. Dịch vụ nhạc chuông chờ I-muzik sau một năm rưỡi ra đời đã có tám triệu người sử dụng. Bên cạnh đó, Viettel còn đưa ra nhiều loại dịch vụ như I-share - sẻ chia tài khoản, dịch vụ nhận và gửi thư điện tử trên điện thoại di động…  

Với những bước đi ấy, chỉ sau hơn ba năm hoạt động, Viettel đã dẫn đầu thị trường về lượng thuê bao di động. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 5/2008 (cuộc điều tra gần đây nhất về lượng thuê bao của các mạng di động), cả nước có hơn 48 triệu thuê bao di động, trong đó, Viettel có 20 triệu, MobiFone 13,5 triệu, VinaPhone hơn 12 triệu và S-Fone hơn 3 triệu...  

Với VinaPhone, việc theo đuổi chiến lược phủ sóng rộng cũng đã gặt hái được một số thành công. Trước năm 2006, VinaPhone là mạng dẫn đầu về lượng thuê bao. Nhưng gần đây, về mặt kinh doanh VinaPhone lại khá mờ nhạt. Khách hàng chờ đón sự đổi mới toàn diện sau khi mạng này lần đầu tiên thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu vào năm 2007 nhưng đã thất vọng không ít vì bộ máy kinh doanh của VinaPhone vẫn chưa thoát ra khỏi sự cồng kềnh của cơ cấu tổ chức phủ rộng bằng 64 bưu điện tỉnh, thành phố.

Tình trạng nhiều khách thuê bao rời mạng cũng là bài toán đau đầu cho mạng di động này. Một chuyên gia nhận xét, hiện tại chiến lược của VinaPhone chưa rõ nét, các bước đi dường như còn gặp lực cản. Chỉ có thể hy vọng sự thay đổi cơ cấu tổ chức mới đang diễn ra tại công ty này sẽ phát huy tác dụng nhanh và họ sẽ lấy lại được đà tăng trưởng như cách đây hai năm.  

S-Fone tham gia thị trường từ năm 2003 với những chiến dịch quảng cáo bài bản, chiến lược tập trung vào khách hàng trẻ, bên cạnh việc định giá dịch vụ thấp, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, khuyến mãi rầm rộ…

Cách làm của S-Fone tưởng rằng sẽ tạo ra một sự thay đổi trong thị trường thông tin di động, song, do có vùng phủ sóng hẹp và sự hạn chế về thiết bị đầu cuối nên chưa mấy thành công. Gần đây S-Fone cũng phải tăng cường vùng phủ sóng cũng như đẩy mạnh hơn nữa việc tạo ra nhiều sự lựa chọn về thiết bị đầu cuối cho khách hàng.  

Còn hai nhà khai thác di động sử dụng công nghệ CDMA khác là EVN Telecom và HT Mobile thì sau khi không tạo được dấu ấn trên thị trường đành phải chuyển hướng chiến lược.

EVN tập trung vào điện thoại cố định không dây. Còn HT Mobile đang trong quá trình chuyển đổi sang công nghệ GSM sau hơn một năm cung cấp dịch vụ CDMA không thành công. Có thể đến giữa năm nay nhà cung cấp này mới tham gia thị trường trở lại.

Với mạng Gtel, được cấp giấy phép thành lập vào giữa năm 2008, cũng có thể đến cuối năm nay mới tham gia thị trường.  

Trong “cuộc chơi 100 triệu” này, ưu thế đang có phần nghiêng về Viettel, bởi theo số liệu về lượng thuê bao mà Bộ Thông tin và Truyền thông công bố và dựa vào sự tăng trưởng của các mạng di động trên thị trường, trong 100 khách thuê bao mới hòa mạng thì Viettel chiếm gần một nửa (45), tiếp đến là MobiFone (khoảng 30-35), VinaPhone và các mạng khác (S-Fone, EVN Telecom, HP Mobile, Gtel) sẽ chiếm khoảng 20-25.

Vân Oanh (TBVTSG)