15:25 29/11/2017

“Thiên đường du lịch” Bali lâm khủng hoảng vì núi lửa phun trào

Diệp Vũ

Đảo Bali đang chật vật ứng phó với sự hỗn độn mà đợt phun trào mạnh của núi lửa Agung gây ra

Núi lửa Agung tiếp tục phun trào trên đảo Bali ngày 29/11 - Ảnh: Reuters.
Núi lửa Agung tiếp tục phun trào trên đảo Bali ngày 29/11 - Ảnh: Reuters.

Đợt phun trào mạnh nhất trong hơn 5 thập kỷ của núi lửa Agung ở Bali đang khiến hòn đảo được mệnh danh là "thiên đường du lịch" lâm vào một cuộc khủng hoảng hiếm gặp.

Theo trang CNN Money, mấy ngày gần đây, Bali - một trong những điểm đến hút du khách nhất thế giới, đón 5 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2016 - chật vật ứng phó với sự hỗn độn mà đợt phun trào của núi lửa Agung gây ra.

Giới chức địa phương nói rằng có tới 100.000 người cần phải được sơ tán khẩn cấp khỏi vùng nguy hiểm xung quanh ngọn núi lửa nơi tro bụi bắt đầu phun mạnh bắt đầu từ hôm thứ Bảy tuần trước. Đợt phun trào của núi lửa Agung đã khiến sân bay quốc tế Bali phải đóng cửa, làm hơn 50.000 du khách bị mắc kẹt trên đảo.

Những gián đoạn này đã và đang gây ra thiệt hại lớn cho các nhà kinh doanh, từ các hãng hàng không quốc tế cho tới những người bán hàng rong ở Bali. Du lịch là ngành công nghiệp lớn nhất của Bali - nơi được trang web du lịch TripAdvisor xếp hạng là điểm đến tốt nhất thế giới năm 2017.

Chính quyền địa phương ước tính đã có khoảng 15.000 du khách hủy kế hoạch đi nghỉ ở Bali trong vòng 3 ngày qua vì lo ngại núi lửa phun trào.

Mỗi ngày đóng cửa của sân bay quốc tế Bali khiến nền kinh tế địa phương tổn thất khoảng 18 triệu USD, theo nhà phân tích Keith Loverard thuộc công ty Concord Consulting có trụ sở ở Jakarta. Ông Loveard dự báo nền kinh tế Bali sẽ chịu một cú sốc nặng nề trong mùa Giáng sinh và năm mới sắp tới, bởi một số lượng lớn du khách sẽ hủy tour đến đảo trong khoảng thời gian cao điểm hàng năm nay.

"Nhiều khả năng không ít du khách dự kiến đến Bali sẽ chuyển điểm đến sang một nơi khác", vị chuyên gia nói.

Bộ Giao thông Indonesia ngày 29/11 tuyên bố sân bay quốc tế Bali, sân bay lớn thứ nhì của Indonesia, sẽ tiếp tục đóng cửa cho tới ít nhất 7h sáng ngày thứ Năm.

Đây không phải là lần đầu tiên ngành du lịch Bali gặp khó. Lượng du khách tới đảo này từng giảm mạnh sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu hồi năm 2002 và 2005, dẫn tới thu nhập của người dân địa phương sa sút mạnh. Ngoài ra, các đợt núi lửa phun trào cũng nhiều lần gây gián đoạn hoạt động đi lại bằng đường không tới Bali trong mấy năm gần đây.

Đợt phun trào này của núi lửa Agung có thể cản trở mục tiêu của Chính phủ Indonesia về thu hút 20 triệu lượt du khách mỗi năm. Bali hiện chiếm hơn 40% lượng du khách đến Indonesia, theo dữ liệu của Nomura.

Chính phủ Indonesia đã nỗ lực phát triển các điểm du lịch khác như đảo Labuan Bajo cách Bali không xa. Tuy nhiên, những điểm đến này cũng bị ảnh hưởng bởi tro bụi của núi lửa Agung và tình trạng đóng cửa kéo dài của sân bay quốc tế Bali.

Cuộc khủng hoảng này đang bào mòn lợi nhuận của nhiều hãng hàng không, trong đó hãng bay Garuda của Indonesia bị cho là chịu tác động nhiều nhất.

Bà Corrine Png, một nhà phân tích thuộc Crucial Perspective, ước tính Garuda chiếm 30% lượng giao thông ở sân bay quốc tế Bali và thiệt hại khoảng 300.000 USD mỗi ngày sân bay này đóng cửa. Giá cổ phiếu của Garuda đã giảm 1,8% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba.

Bà Corrine Png cũng ước tính rằng sự gián đoạn hiện nay khiến hãng hàng không giá rẻ AirAsia thiệt hại 250.000 USD mỗi ngày.

"Kịch bản tồi tệ nhất là núi lửa Agung thi thoảng lại phun trào", bà Corrine Png nói. Nếu điều đó xảy ra, sân bay Bali sẽ phải đóng cửa hết lần này đến lần khác và số chuyến bay bị hủy ngày càng tăng.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do núi lửa gây ra có thể sẽ không tác động nhiều đến nền kinh tế Indonesia nói chung. Bali chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này, theo Nomura.

Mặc dù vậy, Tổng thống Joko Widodo vẫn muốn đến cuối năm 2018 du lịch đóng góp 8% GDP của Indonesia, từ mức 4% vào năm ngoái. "Núi lửa Agung phun trào sẽ gây trở ngại cho mục tiêu như vậy", ông Loveard phát biểu.