07:20 31/07/2009

Thiếu than cho sản xuất điện

Mạnh Đức

Khả năng Việt Nam phải nhập khẩu than để cung cấp cho các dự án điện được xem là khó tránh khỏi

Than cho các dự án điện tính đến năm 2013 thiếu khoảng 9,2 triệu tấn và đến năm 2015 thiếu 25,51 triệu tấn.
Than cho các dự án điện tính đến năm 2013 thiếu khoảng 9,2 triệu tấn và đến năm 2015 thiếu 25,51 triệu tấn.
Nhu cầu tiêu thụ than của các hộ sản xuất lớn như: luyện kim và hóa chất, sản xuất giấy, phân bón, thép..., đặc biệt là than cho sản xuất điện ngày càng tăng cao.

Theo báo cáo của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), khả năng sản xuất than căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn 2006 - 2015 (có xét triển vọng 2025) thì đến năm 2015 khả năng khai thác than tối đa cũng chỉ đạt 61,4 triệu tấn. Trong khi đó, than cho sản xuất điện năm 2009 mới là 7,3 triệu tấn, đến năm 2013 dự kiến lên tới hơn 40 triệu tấn.

Đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có TKV và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hai tập đoàn đầu tư xây dựng đa phần các nhà máy nhiệt điện trên cả nước. Việc cung cấp than cho sản xuất điện theo Quy hoạch điện VI được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương cân đối và tính toán kỹ, chi tiết đến từng dự án.

Tại cuộc họp mới đây giữa Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), TKV và EVN về việc cung cấp than cho sản xuất điện theo Tổng sơ đồ Quy hoạch điện VI, đại diện TKV cho biết, than cho các dự án điện tính đến năm 2013 thiếu khoảng 9,2 triệu tấn và đến năm 2015 thiếu 25,51 triệu tấn. Lượng than TKV cam kết cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện đã vượt xa rất nhiều so với khả năng sản xuất than trong nước. Do đó, khả năng nhập khẩu than là khó tránh khỏi.

Mặc dù được Chính phủ giao nhiệm vụ là đầu mối nguồn nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện đang chuẩn bị xây dựng và đã có được hợp đồng nguyên tắc cùng đối tác nước ngoài với khối lượng 3,5 triệu tấn/năm, nhưng TKV cho biết cũng không thể tiến xa hơn trong việc nhập khẩu than do các các nhà đầu tư khác không mặn mà.

Theo lãnh đạo TKV, trong năm qua không có một nhà đầu tư trong nước nào đến đặt vấn đề với TKV về việc nhập khẩu than cho nhà máy nhiệt điện mà họ dự định xây dựng. Do đó, hợp đồng nguyên tắc mà TKV ký với Maintime (Hồng Kông) và PT Berau (Indonesia) có thời hạn trong 10 năm vẫn không thể đàm phán hơn được vì không có đầu ra.

Trong khi đó, chính bản thân TKV không hề muốn nhập khẩu than để sản xuất điện ở các nhà máy do họ làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của một doanh nghiệp nhà nước được giao khai thác than để cung cấp cho nền kinh tế nói chung thì có thể thấy lượng than mà TKV sử dụng cho các nhà máy điện của mình chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng than cung cấp cho các nhà máy điện khác ngoài TKV.

Đồng thời, than nhập khẩu đắt gấp đôi than sản xuất trong nước, do đó, khiến cho giá điện sẽ bị đẩy lên cao. Thực tế cho thấy, việc đàm phán giá điện của các nhà máy điện thuộc TKV với EVN đang trong tình trạng “cò kè, thêm bớt” giá kéo dài suốt một năm qua mà vẫn chưa ngã ngũ với giá bán điện chưa tới 700 đồng/kWh.

Phía EVN lại càng không muốn sử dụng than nhập khẩu cho các nhà máy điện do mình làm chủ đầu tư. Với lợi thế của đơn vị đảm nhận trọng trách chính trong việc phát triển nguồn điện, các nhà máy điện của EVN thường được ưu tiên có mặt sớm trong tổng sơ đồ phát triển ngành điện cũng như nguồn cung cấp nhiên liệu đầu vào. Vì vậy, dù than trong nước được khai thác ở miền Bắc vận chuyển vào các nhà máy điện ở miền Nam sẽ bị đội chi phí lên khá cao nhưng EVN vẫn thích dùng than trong nước vì giá rẻ hơn than nhập khẩu.

Điển hình như Nhà máy điện Duyên Hải 1 tại Trà Vinh do EVN đầu tư được Bộ Công Thương có ý chuyển sang sử dụng than nhập khẩu, thay thế cho việc chỉ định dùng than nội trước đây, nhưng EVN không đồng tình. Bởi lẽ, nếu chuyển sang sử dụng than nhập khẩu thì hồ sơ mời thầu với đầu bài là than nội chuẩn bị được phát hành trong vòng 1 tháng nữa, sẽ phải chỉnh sửa lại và tiến độ phát hành hồ sơ thầu sẽ phải lùi lại, dẫn tới tiến độ nhà máy bị chậm. Một nguyên nhân nữa khiến cho EVN không “thích” sử dụng than nhập khẩu chính là giá lẫn các yếu tố liên quan đều không hấp dẫn.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó tổng giám đốc EVN thì EVN cũng đã đi tìm nguồn mua than nhập khẩu, nhưng vẫn không ký được hợp đồng nào. Trong thời điểm này, nhiều doanh nghiệp khác đầu tư vào sản xuất điện cũng tự đi tìm nguồn than nhập khẩu. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với kế hoạch đầu tư một loạt nhà máy nhiệt điện than như Long Phú (Sóc Trăng), Sông Hậu (Hậu Giang), Quảng Trạch (Quảng Bình) cũng đã thành lập hẳn một công ty xuất nhập khẩu than cung ứng cho các nhà máy điện với nhiệm vụ đi tìm than nhập khẩu về cho các nhà máy điện.

Việc cân đối than trong giai đoạn 2010 - 2025, nhất là than cho sản xuất điện là vấn đề hết sức cần thiết và phù hợp với hoàn cảnh thiếu nhiên liệu. Bộ Công Thương, TKV, EVN đã cân đối than cho từng dự án nhiệt điện chạy than đang được xây dựng theo Tổng sơ đồ Quy hoạch điện VI, đồng thời đi đến thống nhất: các nhà máy nhiệt điện từ Nghệ An ra Bắc sử dụng than sản xuất trong nước của KTV, từ Nghệ An trở vào Nam dùng than nhập khẩu để giảm bớt chi phí vận chuyển và giảm giá thành sản phẩm.

Đồng thời, TKV phải cố gắng phát huy tối đa khả năng khai thác các mỏ hiện có, tăng cường đầu tư vào các dự án mở rộng, nâng công suất các mỏ đúng tiến độ, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là cho nhiệt điện.