16:30 29/09/2014

Thống đốc “minh oan” cho thanh tra vụ VNCB

Minh Đức

Vì sao có tổ giám sát đặc biệt mà ngân hàng VNCB vẫn vướng sự cố pháp lý sau tái cơ cấu?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại 
phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9 - Ảnh: VnExpress.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9 - Ảnh: VnExpress.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay (29/9), lần đầu tiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói về vụ việc vừa xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Nội dung này có trong chất vấn của đại biểu Quốc hội, rằng trách nhiệm của Thống đốc như thế nào trong các vụ việc sai phạm trong hệ thống ngân hàng xẩy ra gần đây, cụ thể như tại VNCB.

Trả lời chất vấn trên, lần đầu tiên Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói về trường hợp của VNCB, cũng như gián tiếp “minh oan” của cơ quan thanh tra giám sát tại vụ việc này.

Trước hết, ông Bình nói: “Dù là các sai phạm đó xảy ra ở đâu, khi nào, dù khi đó tôi có làm Thống đốc hay không, thì đến nay là trách nhiệm của tôi”.

Theo ông, phương châm của Ngân hàng Nhà nước là không hình sự hóa tất cả các quan hệ dân sự, mà phát hiện các sai phạm, tạo điều kiện để khắc phục; khi không khắc phục được mà gây nên thất thoát tiền bạc thì theo quy định của pháp luật để hình sự hóa và xử lý.

Dẫn lại các vụ việc lớn như vụ Huyền Như, vụ “bầu” Kiên, Công ty Tài chính 2 của Agribank…, phần lớn đều xẩy ra trước năm 2011, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã kiểm điểm sâu sắc, khẳng định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Với riêng vụ VNCB, việc một số lãnh đạo của Tập đoàn Thiên Thanh (cổ đông mới và lớn), cũng là lãnh đạo cao cấp của ngân hàng, vừa bị bắt, câu hỏi đặt ra thời gian qua là: vì sao Ngân hàng Nhà nước có tổ giám sát đặc biệt tại ngân hàng này mà vẫn để sự cố xẩy ra, năng lực thanh tra giám sát đến đâu?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong giai đoạn đầu của quá trình tái cơ cấu, khi đó còn nhiều vấn đề nan giải, việc xử lý các ngân hàng yếu kém, tiền thân VNCB là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), dựa vào nguyên tắc tự nguyện và sử dụng các nguồn lực của thị trường để xử lý các ngân hàng này, tìm các đối tác đầu tư có năng lực tài sản.

Các ngân hàng yếu kém tái cơ cấu thời gian qua đều theo nguyên tắc này, nhờ đó để giữ ổn định và tiết kiệm nguồn lực của nhà nước. Tuy nhiên, trong các bên tham gia thì có một doanh nghiệp (Tập đoàn Thiên Thanh), mà Thống đốc cho biết, theo đánh giá tại thời điểm đó, không chỉ của Ngân hàng Nhà nước mà của các ban chỉ đạo tái cơ cấu, của cả Chính phủ, các đề án đều được các cơ quan liên quan thông qua, đều cho rằng họ có năng lực tài chính. Nhưng trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này có sai phạm.

Nhưng ông Bình nhấn mạnh, cũng nhờ có thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước nên phát hiện và giảm thiểu tổn thất. Thứ nhất, số vốn mà doanh nghiệp này đưa vào tăng vốn điều lệ VNCB thì Ngân hàng Nhà nước không cho sử dụng và số vốn đó không bị thất thoát.

Hoạt động sai phạm của họ lại không diễn ra tại VNCB, mà đi vay mượn sai trái tại các tổ chức tín dụng khác, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước đang giám sát chặt chẽ VNCB. Giám sát tại chỗ thì không thấy vấn đề gì, nhưng qua hoạt động thanh tra tại các tổ chức tín dụng khác thì Ngân hàng Nhà nước thấy các sai phạm, quy chiếu lại thấy có biểu hiện làm trái các quy định nên phối hợp với cơ quan công an để xử lý.

“Dù sai phạm thế nào, lớn hay nhỏ thì trách nhiệm cũng thuộc về chúng tôi. Thế nhưng, thực tế thời gian qua chính nhờ hoạt động thanh tra, giám sát tại chỗ cũng như tại các tổ chức tín dụng đã giúp cho việc phát hiện và xử lý kịp thời, cho nên đã xảy ra tại VNCB nhưng qua thực tiễn không gây ra xáo trộn gì trong hoạt động của hệ thống”, Thống đốc nói.