10:01 24/06/2009

Thu hút FDI: “71 tỷ USD cũng không để làm gì!”

Anh Quân

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói về khả năng hấp thụ vốn FDI của nền kinh tế Việt Nam

Ông Phan Hữu Thắng - Ảnh: Anh Quân.
Ông Phan Hữu Thắng - Ảnh: Anh Quân.
Câu chuyện “bỏ sót” hơn 7 tỷ USD vốn đăng ký năm 2008, gần bằng con số thu hút mới của 6 tháng đầu năm 2009, đặt ra những nghi ngại liên quan đến khâu tổ chức, quản lý và điều hành hệ thống xúc tiến thu hút FDI của Việt Nam.

Mới đây, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng, đã có một cuộc gặp mặt cởi mở với báo giới. Về lý do dẫn tới việc “bỏ sót” kể trên, ông Thắng nói:

- Hiện nay chúng ta có quá nhiều các đầu mối về cấp giấy chứng nhận đầu tư, là các địa phương, các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất…

Tại thời điểm báo cáo nhanh ngày 19/12/2008, nhiều địa phương chưa cung cấp đủ số liệu của năm 2008, cả cấp mới và tăng vốn. Số liệu tại ngày báo cáo chỉ cập nhật đến những ngày đầu tháng 12/2008.

Thứ hai, các mẫu biểu của địa phương báo cáo lên không theo mẫu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do vậy không thể tổng hợp. Vì vậy, Cục Đầu tư nước ngoài đã phải liên hệ trực tiếp với các chuyên viên, yêu cầu hoàn thành đúng mẫu biểu báo cáo thì mới có thể hoàn thành thống kê theo phân bổ các ngành, các địa phương, theo hình thức đầu tư…

Thứ ba là việc chấp hành gửi giấy chứng nhận đầu tư sau khi cấp đã không được thực hiện nghiêm chỉnh. Theo quy định, trong vòng 7 ngày, các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư phải gửi giấy về Cục nhưng có địa phương thì tập trung gửi từng tháng một, có địa phương thì không gửi đều, hoặc gửi không đầy đủ gây khó khăn cho công tác tổng hợp.

Cho nên, con số chính thức của năm 2008, cả đăng ký cấp mới và tăng thêm là trên 71,7 tỷ USD chứ không phải 64 tỷ USD như đã công bố. Số dự án đăng ký mới là 1.557 dự án chứ không phải 1.171 dự án nữa, số dự án tăng vốn không phải là 311 nữa mà là 397 dự án…

71 tỷ USD cũng không để làm gì!

Mức thu hút cao như vậy, nền kinh tế chúng ta có khả năng hấp thu hết một cách hiệu quả không, thưa ông?

Sức hấp thu của nền kinh tế chúng ta, cao mà cố gắng hết sức thì vào khoảng 10 tỷ USD. Nếu chúng ta đẩy mạnh nguồn nhân lực, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng… thì khả năng có nhích lên, một năm cũng chỉ khoảng 10-12% là cùng.

Nếu anh cứ nhận tiếp nữa, nhận vào 71 tỷ USD như năm ngoái cũng không để làm gì, khả năng chỉ như vậy thôi

Thực sự hài hòa thì vốn đăng ký với vốn thực hiện cứ gấp đôi. Như thế sẽ có gối đầu, sau đó ta cải thiện, tăng cường năng lực lên thì tốt hơn.

Nhưng sự bùng nổ về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm qua cũng tạo dựng một hình ảnh tốt về Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Nó mang ý nghĩa ấy.

Mục tiêu 2009 là khả thi

Sau khi đạt những con số ấn tượng về thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt mục tiêu năm 2009 sẽ bằng hoặc vượt năm 2008. Vậy đến lúc nào thì phía Cục nhận thấy tình hình thực tế khó có thể thực hiện?

Quan trọng nhất của năm 2009 là vốn thực hiện. Trước khi bước vào năm 2009, chúng ta có đặt ra một kế hoạch là ít nhất phải bằng, hoặc vượt năm 2008.

Vào lúc đó, chúng tôi đưa ra con số bằng, tức là trên 11 tỷ USD. Căn cứ để đưa ra con số này là từ cơ sở thực tiễn và báo cáo của các địa phương.

Bước vào năm 2009, các địa phương lúc đó đã lên kế hoạch và quyết tâm để thực hiện. Lúc đó, con số đưa lên là 14,1 tỷ USD, trong đó phía nước ngoài là hơn 11 tỷ USD…

Đáng tiếc rằng tình hình suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trên toàn quốc. Khó khăn về tiêu thụ hàng hóa, từ sự co hẹp thị trường xuất khẩu dẫn tới doanh nghiệp bí đầu ra. Giải ngân cũng vì thế bị ảnh hưởng.

Vì thế, sau quý 1/2009, chúng tôi đã có đánh giá lại, cân đối chung lại và đưa ra con số giải ngân của năm nay là 8 tỷ USD. Con số này cũng phù hợp với điều chỉnh tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Với mục tiêu mới đặt ra, khả năng thực hiện đến đâu, thưa ông?

Với kế hoạch đặt ra và điều chỉnh như vậy, cho đến nay, đã thu hút được gần 9 tỷ USD vốn đăng ký. Vốn thực hiện trong 6 tháng đầu năm là 4 tỷ USD.

Điều này cho thấy, giữa lúc suy thoái, diễn biến đầu tư nước ngoài vẫn theo kế hoạch và theo nhận định của chúng ta, hài hòa và chấp nhận được.

Cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng năm 2009 sẽ đạt được mục tiêu đề ra, thu hút vốn mới vào khoảng 20 tỷ USD.

Tại sao lại như vậy? Theo thông lệ, người ta thường đẩy nhanh việc giải ngân các khoản tài chính được giao của nhà đầu tư trong những tháng cuối năm. Sáu tháng cuối năm bao giờ kết quả cũng lớn hơn 6 tháng đầu năm.

Đồng thời cũng có một loạt các dự án tiềm năng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư và có khả năng cấp phép trong thời gian tới. Cũng khá cao. Tổng số đến nay, theo đăng ký, là 187 dự án với tổng vốn lên tới 85,4 tỷ USD.

Ví dụ như các dự án của Tập đoàn Jaks Resources Berhad (Malaysia) đầu tư khu công nghiệp và công nghệ cao trị giá 1,5 tỷ USD; dự án Công ty IPO/VINA xây dựng cảng trị giá 3 tỷ USD; dự án Golden Bay City của Công ty Leinad Development (Úc) trị giá 6 tỷ USD…

Đương nhiên trong 187 dự án này không phải là làm hết ngay, nhưng đấy là cơ sở để cho 6 tháng cuối năm chúng ta có thể làm. Có thể rất sớm, tỉnh Đồng Nai sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng khu hành chính Nhơn Trạch trị giá 2 tỷ USD…

Không dễ thu hồi giấy phép đã cấp

Trong 10.409 dự án còn hiệu lực đến 19/6, tổng vốn đăng ký 164,7 tỷ USD, “hệ lụy” của giai đoạn đầu tư tràn lan trước đây có để lại những dự án phải thu hồi đất?

Cho đến nay, chúng tôi đã có 3 đợt tổng rà soát các dự án trên toàn quốc, phân ra 4 loại: loại nào đã cấp 6 tháng, loại nào một năm, loại nào thực hiện đến đâu… Từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục cùng với các địa phương rà soát.

Nếu thấy dự án nào quá chậm, không thể triển khai được thì phải thu hồi đất, giao lại cho các nhà đầu tư mới…

Nhưng nói vậy chứ thực hiện rất khó, vướng nhiều thủ tục liên quan. Ví dụ dự án họ vào, đã đầu tư vài triệu USD rồi, không thể rút ngay giấy phép. Vì rút thì liên quan đến thanh lý, liên quan đến nhiều thủ tục, trình tự kéo dài cả 6 tháng. Có trường hợp thanh lý cả năm không xong.

Cho nên phải tìm giải pháp dung hòa là khuyến khích họ làm sao tiếp tục đầu tư vào. Các cơ quan quản lý thì rất cương quyết, nhưng trong điều hành thì cũng phải hài hòa…

Phân cấp có vấn đề, nhưng...

Việc phân cấp như vừa rồi khiến nhiều lĩnh vực đã đầu tư vượt quá quy hoạch ngành. Quan điểm của ông thế nào?

Việc phân cấp toàn diện cũng đẻ ra một số vấn đề, cần phải xem xét lại, ví dụ như một số quan điểm cho rằng nên quy định về quy mô dự án đến đâu, diện tích đất đến đâu…

Ví dụ như các dự án sân golf vừa rồi đã nói rất nhiều, nhưng kết luận cuối cùng về mặt lợi, không lợi thì chưa có cơ quan nào đứng ra công bố chính thức. Nhưng có điều, sau phân cấp cho địa phương 2 năm, lượng dự án cấp phép mới bằng cả mấy lần của 20 năm bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép.

Tất nhiên cái gì cũng vậy, chúng ta phải làm thì mới có thực tiễn để chấn chỉnh được.

Khi cấp phép vượt quy hoạch một số ngành như thép, sân golf… có phải các địa phương đã quá “tự tung, tự tác” không?

Nó là thực tiễn đặt ra thôi. Không có địa phương nào, sau khi phân cấp mà cấp mới vi phạm quy hoạch mà không xin ý kiến.

Họ có xin ý kiến và có ý của bộ này, bộ kia, nhất là bộ chuyên ngành. Có thể có ý kiến của bộ là trong điều kiện quy hoạch ngành như thế này, như thế kia. Có thể có ý kiến là nếu xem xét được, căn cứ vào quy hoạch địa phương, tình hình địa phương…

Trong thực tiện câu chuyện là như thế. Chứ còn ít địa phương nào không xin ý kiến. Cái đó rất khó đổ lỗi cho ai. Cứ tiền lệ này đẻ ra tiền lệ kia…

FDI vào bất động sản vẫn còn xu hướng

Khi khủng hoảng đặt ra khó khăn cho thu hút FDI, có chuyên gia cho rằng lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bất động sản.,. sẽ là "cứu cánh" cho năm nay. Nhận định đó đến giờ tỏ ra là đúng, thưa ông…

Thực tiễn thì ý kiến đó đúng. Nhưng có là cứu cánh hay không thì đúng là nó phù hợp với nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư. Họ không dễ dàng bỏ vốn vào lĩnh vực không thể thu hồi vốn, mà vì đó là lĩnh vực có khả năng trong tương lai.

Với nền kinh tế chúng ta vẫn còn tăng trưởng dương, nhu cầu nhà ở lớn, về lưu trú của người nước ngoài tiếp tục tăng trưởng… Nhu cầu đó họ thấy trước và quyết định đầu tư.

Nếu theo dõi những dự án tiềm năng thu hút trong thời gian tới thì xu hướng đầu tư vào lĩnh vực này là vẫn còn.

Nếu lĩnh vực này tiếp tục “lấn át” đầu tư vào sản xuất, chế biến thì có thể phải xem xét lại hệ thống chính sách không?

Khi cho phép đầu tư thì phải tính đến tình hình cụ thể của đất nước, vào cung và cầu. Nếu khi cung về bất động sản của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được cầu thì chúng ta có thể tiếp tục.

Nhưng đến một mức độ nào đó thì chúng ta sẽ có một thông báo rõ ràng cho nhà đầu tư về khả năng tiếp nhận, khả năng thị trường và họ sẽ tự quyết định có đầu tư vào nữa hay không.

Cũng chớ vội đánh giá sao đầu tư đổ vào lĩnh vực này, lĩnh vực kia nhiều thế. Ai chẳng mong đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn, nhưng tiền đâu phải trong túi chúng ta.

Nhà đầu tư họ phải tính toán đầu tư vào lĩnh vực ít rủi ro nhất, có lợi nhuận nhất, có thị trường nhất. Còn lĩnh vực khó thu hút đầu tư thì Nhà nước phải có giải pháp khác.