10:09 23/06/2009

FDI 6 tháng đầu năm có gì đáng chú ý?

Đỗ Đình Sơn

Trái ngược với những gì đã thể hiện trong năm 2008, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dường như đang có sự điều chỉnh

 Theo ước tính, lượng vốn FDI giải ngân trong nửa đầu năm nay đã đạt khoảng 4 tỷ USD, bằng 81,6% cùng kỳ năm ngoái, trong đó vốn từ nước ngoài đạt khoảng 3,3 tỷ USD.
Theo ước tính, lượng vốn FDI giải ngân trong nửa đầu năm nay đã đạt khoảng 4 tỷ USD, bằng 81,6% cùng kỳ năm ngoái, trong đó vốn từ nước ngoài đạt khoảng 3,3 tỷ USD.
Không “hoành tráng” những dự án tỷ USD, không ấn tượng với những kỷ lục thu hút vốn liên tục bị phá vỡ, giải ngân “chắt chiu” từng đồng…, dòng vốn FDI dường như đã bước vào giai đoạn “điều chỉnh” trong nửa đầu năm 2009.

Báo cáo tình hình FDI 6 tháng qua vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố chiều 22/6, cho thấy những “bốc đồng”, “sốt nóng” từng thể hiện trong năm 2008 đã thay đổi hoàn toàn trong năm nay.

“Bè trầm” FDI

Hầu hết các chỉ tiêu FDI chủ yếu 6 tháng đầu năm 2009 đều “khiêm tốn” hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2008.

Theo báo cáo nhanh tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nửa đầu 2009, cả nước đã có 306 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD, chỉ bằng 13,3% cùng kỳ năm 2008.

Nhưng bù lại, ở một động thái “ngược chiều”, đã có 68 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,1 tỷ USD, tăng tới 13,8% so với cùng kỳ, biến các dự án tăng vốn trở thành một “cứu cánh” đối với thu hút FDI trong nửa đẩu năm nay.

Như vậy, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 6 tháng đầu năm 2009, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,87 tỷ USD, cũng chỉ bằng 22,6% so với cùng kỳ 2008.

Với con số quan trọng hơn, vốn giải ngân, mặc dù không “đuổi kịp” con số cùng kỳ năm ngoái, nhưng nếu so với vốn đăng ký, giải ngân FDI 6 tháng đầu năm nay không bị bỏ lại quá xa.

Theo ước tính, lượng vốn FDI giải ngân trong nửa đầu năm nay đã đạt khoảng 4 tỷ USD, bằng 81,6% cùng kỳ năm ngoái, trong đó vốn từ nước ngoài đạt khoảng 3,3 tỷ USD.

Với các “cung bậc” FDI 6 tháng qua, vốn giải ngân tuy ở “bè trầm” cùng nhiều con số khá “khiêm tốn” khác, tuy nhiên thực tế tỷ lệ giải ngân lại cao, chiếm tới 45% tổng vốn đăng ký.

Nói về diễn biến FDI trong 6 tháng đầu năm 2009, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét: “Trong tình hình suy thoái chung, dòng vốn FDI vẫn hài hòa và chấp nhận được”.

Điều chỉnh tốt hay xấu?

Trong khi nhà đầu tư trở nên “chín chắn” hơn, thị trưởng vốn “sàng lọc” hơn, cạnh tranh gay gắt hơn trong thời kỳ khủng hoảng, không có nghĩa mọi điều chỉnh đều theo hướng “sáng sủa”.

Ở góc độ tích cực, giải ngân đã tốt hơn, nhập siêu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã giảm nhiều so với năm trước, trong khi dòng vốn vào Việt Nam vẫn còn đó sự mất cân đối giữa các lĩnh vực, khu vực đầu tư…

Thứ nhất, việc điều chỉnh giảm của lượng vốn giải ngân, tuy có thể không “tài trợ” tốt cho thâm hụt cán cân thương mại trong năm nay, nhưng về mặt nào đó là một mức giảm hợp lý.

Nếu xét về tổng thể, một lượng vốn FDI quá lớn đổ vào trong lúc này khó có thể được hập thụ đầy đủ, bởi vì khả năng của nền kinh tế Việt Nam là có hạn.

Đồng quan điểm này, ông Phan Hữu Thắng cho rằng mức hấp thụ vốn FDI của Việt Nam vào khoảng 8-10 tỷ USD/năm và có thể tăng lên chỉ khoảng 10%/năm. Và lượng vốn đăng ký cũng chỉ nên gấp hai lần khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

“Nhận vào đến 71 tỷ USD cũng chẳng để làm gì, vì thực tế, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế là có hạn”, ông Thắng nhìn nhận.

Thứ hai, khu vực doanh nghiệp FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu khí) ước đạt 13,6 tỷ USD, bằng 81% cùng kỳ và chiếm 49,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nếu trừ dầu thô, con số tương ứng là 10,3 tỷ USD, bằng 92,4% cùng kỳ và chiếm 37,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong tương quan với 10,5 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu của khối này, nếu tính cả xuất khẩu dầu thô, các doanh nghiệp FDI đã xuất siêu 3,1 tỷ USD. Nếu không tính dầu thô, khối này nhập siêu chỉ có 168 triệu USD (năm 2008, các doanh nghiệp FDI nhập siêu khoảng 4 tỷ USD).

Thứ ba, trong khi nhập siêu của khu vực doanh nghiệp FDI đã được điều chỉnh giảm, đầu tư “lệch” vẫn tái diễn.

Theo báo cáo, lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống thu hút 4,48 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng vốn đăng ký. Tiếp đó là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 1,56 tỷ USD; kinh doanh bất động sản “’kéo về” 1,46 tỷ USD…

Tuy nhiên, nếu coi phần vốn đầu tư cho khách sạn, khu nghỉ dưỡng… vốn tính vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú là thuộc loại dự án bất động sản như một số ý kiến đã từng đề cập, rõ ràng bất động sản mới là “cứu cánh” cho thu hút FDI trong nửa đầu năm nay.

Thứ tư, phân bổ các dự án chưa đồng đều và vẫn tập trung vào một số khu vực gần đây đã có hiện tượng căng thẳng về đất đai.

Trong tổng số 8,87 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, có tới 6,46 tỷ USD “đổ vào” Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở các vị trí tiếp theo vẫn là những cái tên quen thuộc như Tp.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội…, lần lượt là 923 triệu USD, 328 triệu USD, 162 triệu USD và 120 triệu USD.

Cũng còn những điều chỉnh khác rất đáng lưu ý như việc một số dự án đã đầu tư giai đoạn trước công bố tăng vốn lớn trong 6 tháng qua. Nhưng đây nhiều khả năng là sự điều chỉnh không mang tính bền vững, không phải xu thế trong nửa còn lại của năm 2009.