05:54 16/03/2012

Thu hút FDI: Khéo nói, chưa khéo làm

Anh Quân

Sau 25 năm mở cửa, đòi hỏi của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh minh bạch ngày càng khắt khe hơn

Kết quả cuộc khảo sát 1.970 doanh nghiệp FDI từ 45 nước trên thế giới và hoạt động khắp 61 tỉnh, thành phố của Việt Nam được Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố mới đây cho thấy, nhân tố điều hành của chính quyền địa phương bị đánh giá thấp.
Kết quả cuộc khảo sát 1.970 doanh nghiệp FDI từ 45 nước trên thế giới và hoạt động khắp 61 tỉnh, thành phố của Việt Nam được Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố mới đây cho thấy, nhân tố điều hành của chính quyền địa phương bị đánh giá thấp.
“Gần 20 năm trước, câu nói cửa miệng với khách hàng khi tư vấn là vấn đề này chưa rõ...”, bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Vietnam, nhớ lại thời kỳ sơ khởi của đầu tư nước ngoài, khi thủ tục còn rườm rà và lắt léo.

Nhưng đáng buồn là cùng với dòng chảy thời gian, hệ thống pháp luật đầu tư, kinh doanh cũng đầy đủ hơn, thì việc thực thi cho đúng bổn phận, chức trách của cán bộ công vụ, thống nhất ở các địa phương lại dường như chẳng có gì thay đổi so với trước.

Cái khó của bà Hương bây giờ lại trở thành, “vấn đề này theo quan điểm và đạo lý của pháp luật là thuận lợi, tuy nhiên việc dịch luật của các cơ quan địa phương thường thiếu thống nhất và có nhiều khả năng sẽ không được chấp nhận”.

Sau một phần tư thế kỷ Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài, trong quan điểm của vị lãnh đạo cấp cao Ernst & Young kể trên, những tồn tại trong mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư được ví bằng hình ảnh: cô dâu mới về nhà chồng ngày nào đã đến lúc phải thể hiện sự khéo léo và dấu ấn của mình.

Nhưng, “nói thì rất dễ và làm thì rất khó”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại đáp lại câu hỏi, vì sao Việt Nam “thích” tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư hoành tráng, chính sách là trải thảm đỏ mời gọi, nhưng khi vào nhà đầu tư “xách” vốn vào thì nhiều rào cản đã lại mọc lên.

Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng lý giải, một trong những thiếu sót của hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư của Việt Nam là sự thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp thống nhất giữa các bộ luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh, làm khó cho doanh nghiệp và ngay cả các nhà quản lý ở cấp địa phương trong quá trình thực hiện.

Kiểu tranh cãi con gà và quả trứng, thực thi việc gì trước, theo luật này hay luật kia… không thiếu. Chính đây là nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển, đầu tư của doanh nghiệp, ông Thắng nhìn nhận.

Một vị chuyên gia tư vấn lâu năm khác, ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc Investconsult Group cũng nhìn ra điểm này: “Chúng ta chưa xây dựng được một thể chế chuyên nghiệp để có thể tương tác một cách thuận lợi với các nhà đầu tư đến từ nước phát triển”.

Cho nên, có những đánh giá rất rõ ràng cho việc nhà đầu tư nước ngoài đã “khó chịu” đến thế nào với cách hành xử kiểu trải thảm đỏ khi mời, nhưng khi khách tìm đến thì chủ nhà dửng dưng.

Kết quả cuộc khảo sát 1.970 doanh nghiệp FDI từ 45 nước trên thế giới và hoạt động khắp 61 tỉnh, thành phố của Việt Nam được Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố mới đây cho thấy, nhân tố điều hành của chính quyền địa phương bị đánh giá thấp.

Và đáng thất vọng hơn cả là sau nhiều năm có sự cải thiện, chỉ tiêu về tính năng động của lãnh đạo tỉnh lại có sự sụt giảm lớn nhất trong điều tra PCI, đặc biệt tại các tỉnh đứng đầu.

Ngoài lý do pháp luật chưa đồng bộ, việc cố tình hiểu khác đi của cán bộ thực thi, thậm chí là làm cho sự việc khó khăn hơn để tạo cơ hội cho tham nhũng cũng có.

“Vấn đề tham nhũng không còn là bài toán đối với đầu tư, mà còn là bài toán xã hội của Việt Nam hiện nay. Môi trường đầu tư muốn minh bạch thì chống tham nhũng là vấn đề quan trọng”, ông Nguyễn Mại nhìn nhận.

Hệ quả tất yếu của việc thực thi công vụ còn có vấn đề đã dẫn đến những “tụt hậu” trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Theo thống kê của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), lượng vốn FDI toàn cầu năm 2011 dù có sụt giảm so với trước nhưng vẫn đạt 1.510 tỷ USD.

Tuy nhiên, vốn giải ngân từ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong cùng năm, nếu trừ đi phần vốn trong nước, chỉ đạt khoảng 8-9 tỷ USD, không bằng phần lẻ của con số kể trên.

“Vấn đề quan tâm nhất của chúng ta hiện nay chính là nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Mại nói.

Nhưng cho đến lúc cải thiện được tình hình hiện nay, ngay lúc này với bà Hương Vũ, sau gần 20 năm làm tư vấn, ước mơ từ ngày đầu vẫn thật đơn giản, để có thể tự tin nói với khách hàng “vấn đề này luật đã quy định khá rõ ràng, chúng tôi sẽ giúp công ty đạt được đầy đủ các lợi ích mà luật pháp cho phép”.