10:30 27/06/2012

Thu hút vốn FDI khó hoàn thành kế hoạch năm

Anh Minh

Mục tiêu thu hút 15-17 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang xa dần tầm với?

Lễ khởi công dự án khu đô thị Tokyu tại Bình Dương, dự án FDI lớn nhất trong 6 tháng đầu năm.
Lễ khởi công dự án khu đô thị Tokyu tại Bình Dương, dự án FDI lớn nhất trong 6 tháng đầu năm.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong sáu tháng đầu năm, cả nước đã có 452 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới với tổng vốn đạt trên 4,762 tỷ USD.

Đồng thời, đã có 123 dự án tăng vốn với tổng lượng vốn tăng thêm là 1,621 tỷ USD. Tính chung cả đăng ký mới và tăng vốn, Việt Nam đã thu hút được 6,384 tỷ USD, bằng 72,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số này, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đứng đầu, chiếm khoảng 63% lượng vốn đăng ký, tiếp theo là bất động sản với số vốn đăng ký chiếm gần 25% và nhóm các dự án bán buôn, bán lẻ, sửa chữa chiếm khoảng 10%.

Trong khi đó, vốn FDI giải ngân tháng 6 ước đạt 890 triệu USD, mức thấp nhất trong 4 tháng qua. Lũy kế 6 tháng, giải ngân vốn FDI đạt 5,4 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2011.

Về đối tác đầu tư, Nhật Bản chiếm vị trí số 1 với gần 4,1 tỷ USD (65%), trong khi về phía địa phương tiếp nhận đầu tư, Bình Dương đang dẫn đầu với 1,7 tỷ USD.

Hồi đầu năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút được từ 15-17 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tuy nhiên, với kết quả của sáu tháng đầu năm, có thể thấy mục tiêu này rất khó thực hiện được, nhất là trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu tiếp tục suy giảm.

Tình hình này đang khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan quản lý cao nhất về đầu tư nước ngoài, có thể phải "tính toán lại" các mục tiêu về thu hút FDI, đặc biệt là trong việc lập kế hoạch cho năm 2013 và các năm tới.

Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế chuẩn bị các báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài quý 2/2012, ước cả năm 2012 và xây dựng kế hoạch năm 2013 để gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo cơ quan này, việc tổng hợp tình hình là để Bộ có đầy đủ các thông tin về tình hình đầu tư nước ngoài để từ đó có những giải pháp và chính sách kịp thời đảm bảo việc thu hút và giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.