Thứ trưởng Bộ Lao động: Việt Nam và Anh không có thoả thuận tiếp nhận lao động
Liên quan đến vụ 39 người chết trong container, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Lê Quân đã trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội
Liên quan đến vụ 39 người chết trong container, sáng 1/11 trao đổi bên hành lang Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Lê Quân cho biết, hiện nay, giữa Việt Nam và Anh không có thỏa thuận tiếp nhận lao động nhưng Việt Nam có thoả thuận lao động chính thức với nhiều quốc gia.
Ông Quân nói: chính sách nhập cư của Anh rất chặt chẽ. So với các quốc gia khác, thu nhập tại Anh khá cao. Chính vì thế nước Anh trở thành điểm đến của nhiều lao động bất hợp pháp, từ nhiều quốc gia khác nhau.
Thưa Thứ trưởng, vụ 39 người chết trong container trên đường đến Anh thu hút rất lớn sự chú ý của dư luận khi có nhiều nghi vấn về khả năng có nạn nhân người Việt trong vụ việc. Nhiều gia đình đã báo cáo, đề nghị hỗ trợ xác minh người thân mất tích trên đường sang Anh lao động, trùng khớp với thời gian hành trình của chuyến container đó. Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định thế nào về vụ việc?
Đây hoàn toàn không phải là một vụ việc đưa người đi lao động ở nước ngoài được thực hiện theo chính sách, pháp luật của Việt Nam. Đây là một vụ mua bán người, hoạt động tội phạm gây ra hậu quả thảm khốc, bị cả thế giới lên án.
Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp tích cực với cơ quan chức năng của Anh để xử lý những vấn đề có liên quan đến vụ việc, làm rõ các thông tin, hỗ trợ gia đình các nạn nhân và đặc biệt là điều tra làm rõ các hành vi tội phạm, buộc chúng phải đền tội.
Cá nhân tôi xin chân thành chia sẻ với gia đình các nạn nhân, mong thân nhân của các nạn nhân sớm vượt qua được nỗi đau thương, mất mát này.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, di cư bất hợp pháp là vi phạm pháp luật. Một số hành vi tổ chức đưa người nhập cư trái phép được coi là buôn người, một hành vi phạm tội nguy hiểm. Di cư bất hợp pháp đi liền với rủi ro rất cao, và người dân đi cư bất hợp pháp không được pháp luật bảo vệ.
Nhưng nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài là có thật mà đi theo con đường "chính ngạch" thì không có nhiều lựa chọn cho người lao động?
Tôi xin nhấn mạnh là cơ hội đi lao động ở nước ngoài hợp pháp hiện nay rất rộng mở và dễ tiếp cận. Việt Nam có thỏa thuận đưa người đi làm việc chính thức với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, NewZeland, một số nước Đông Âu, Trung Đông.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, lĩnh vực này được coi là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Hiện nay có 397 công ty được cấp phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Danh sách các công ty được công khai trên cổng thông tin của Cục quản lý lao động ngoài nước.
Hàng năm, chúng ta đưa được gần 150.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động được quan tâm, đảm bảo quyền lợi. Sau nhiều năm, rất ít sự cố đáng tiếc xảy ra với người lao động đi theo các chương trình hợp pháp.
Trong thời gian tới, do khan hiếm nhân lực, các quốc gia đều có xu hướng tăng tiền lương, hỗ trợ tiền đào tạo và đi lại cho người lao động Việt Nam. Đi lao động ở nước ngoài hợp pháp đã giúp nhiều lao động có việc làm, có thu nhập cao và thoát nghèo.
Như ông nói, tính chung các thị trường, nhà nước mới chỉ lo được cho 150.000 người đi xuất khẩu lao động. Nhưng thực tế, có xã ở huyện Yên Thành, Nghệ An hiện đang có 1.450 người đang làm thuê ở các nước Châu Âu, cả ngàn người đang làm ăn tại Lào, một nửa số đó ở các nước Châu Á mà hẳn là nhà nước không thể đưa đi số lượng lao động lớn như vậy?
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang triển khai nhiều giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước với hoạt động đưa người lao động đi làm việc hợp pháp ở nước ngoài. Cụ thể, công tác thanh tra được tăng cường. Thời gian qua Bộ đã dừng và thu hồi giấy phép của nhiều doanh nghiệp có hành vi vi phạm, đẩy mạnh đàm phán ký kết với nhiều ưu đãi với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, trình Quốc hội sửa đổi Luật đưa người đi lao động ở nước ngoài (dự kiến thông qua trong năm 2020), xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động để người lao động ở nước ngoài kết nối nhanh với Bộ và có chức năng SOS khi cần thiết.
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, cấp phép bổ sung cho gần 100 doanh nghiệp đủ điều kiện để mở rộng dịch vụ đến người lao động có nhu cầu, đẩy mạnh sự tham gia của các trường nghề để nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Bộ đề nghị chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội tăng cường truyền thông để người dân hiểu, và tránh mạo hiểm đi lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật Việt Nam và quốc tế. Người dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài chủ động liên hệ qua Trung tâm lao động ngoài nước của Bộ, các doanh nghiệp được Bộ cấp phép.