Thủ tướng: Dệt may, da giày cần chú ý hơn đến thị trường nội địa
Chiều 23/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với ngành dệt may, da giày Việt Nam để giải quyết một số kiến nghị, đề xuất của ngành
Theo ý kiến một số hiệp hội, doanh nghiệp, năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành có giảm nhưng mức giảm không nhiều. Do chúng ta kiểm soát tốt dịch COVID-19 nên tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu. Các đơn hàng tương đối ổn định.
Đại diện May 10 bày tỏ cảm ơn Thủ tướng đã quyết định sửa Nghị quyết 20 (về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19) rất kịp thời. Qua đó, giúp doanh nghiệp "xoay chuyển tình thế", từ việc có thể giảm mạnh doanh số thì năm nay, May 10 tăng trưởng 3%, không những không phải sa thải mà còn tuyển thêm nhiều lao động từ tháng 5 trở lại đây.
Doanh nghiệp cũng bày tỏ vui mừng khi nước ta ký được các hiệp định thương mại tự do, như EVFTA, nhờ đó mà ngành hưởng lợi trực tiếp từ cắt giảm thuế suất về 0%. Đây là cú hích tốt cho ngành phát triển.
Theo Tập đoàn Dệt may, dự báo hết năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may toàn cầu giảm 20% so với năm 2019, đạt khoảng 600 tỷ USD. Sau 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 25,6 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm này thấp hơn nhiều các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.
Dự báo năm 2020, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 33,5-34 tỷ USD. Thu nhập bình quân toàn Tập đoàn 9 tháng đầu năm 2020 là 7,79 triệu đồng/người/tháng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nêu rõ, ngành dệt may, da giày có vai trò quan trọng, sử dụng số lượng lao động rất lớn, đến 4,3 triệu người. Xuất khẩu của ngành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch quốc gia, năm 2019, 2 ngành này đã xuất khẩu 62 tỷ USD, tương đương 24% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. "Tôi rất ấn tượng về những thành công bước đầu quan trọng này", Thủ tướng bày tỏ. Không chỉ năm 2020 mà cả năm 2021, ngành quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng như năm 2019 và năm 2022 cao hơn năm 2019.
Thủ tướng chia sẻ, biểu dương sự cố gắng lớn lao của cán bộ, công nhân viên, người lao động của ngành dệt may, da giày đã đóng góp trước hết vào sự ổn định xã hội, không để lao động thất nghiệp, giảm nhiều thu nhập.
Nêu rõ chúng ta đã ngăn chặn có hiệu quả COVID-19, tham gia nhiều hiệp định thương mại, Thủ tướng cho rằng, điều đó tạo lợi thế cho ngành bên cạnh lao động trẻ, nhanh nhẹn, yêu nghề, có kỷ luật lao động. Cán bộ quản lý, lãnh đạo của hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết liệt. "Tinh thần năng động, tự cường ấy rất đáng trân trọng".
Thủ tướng nêu rõ, đó là truyền thống của dân tộc luôn vượt qua khó khăn, thách thức, "bao nhiêu giông tố, nhân tai, thiên tai cha ông chúng ta đều vượt qua để giữ gìn non sông, bờ cõi, đưa đất nước tiến lên". Việc khống chế dịch COVID-19 này đã minh chứng cho truyền thống quý báu đó.
Lưu ý một số mặt hạn chế như việc tận dụng cơ hội xuất khẩu trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) còn thấp, tận dụng thời gian đơn hàng không nhiều để tái cơ cấu doanh nghiệp, đào tạo lại nhân sự trong trạng thái bình thường mới, cải thiện sức cạnh tranh, Thủ tướng cho rằng, ngành cần chú trọng hơn đến thị trường nội địa, nhất là đồng phục công sở, đồng phục học sinh, sinh viên. "Chúng ta chưa làm tương xứng với thị trường này, chưa tạo thành một cực cân bằng với xuất khẩu để bảo đảm bền vững hơn cho sản xuất kinh doanh dài hạn".
Ngành cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, "nhanh, quyết liệt để chiếm lĩnh, phát triển".
Cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may, đưa doanh nghiệp dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới.
Tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà hiệp định RCEP mang lại, nhất là phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng. Cần "tăng trưởng xanh" trong phát triển ngành dệt may, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, áp dụng kinh tế tuần hoàn. Tiếp tục nâng cao mức độ tự động hóa, nâng cao giá trị làm ra của một lao động để tăng thu nhập.