Thủ tướng: Du khách phải đến Đà Nẵng một lần trong đời
Thủ tướng cho rằng nên nghiên cứu mở các đường bay thẳng nối Đà Nẵng với châu Âu, Mỹ
“Đà Nẵng định vị là một thành phố đáng sống. Tuy nhiên, cần phải xác định nội hàm thành phố đáng sống của riêng mình là gì?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng sáng 15/10.
“Có những nét độc đáo, riêng có, Đà Nẵng không nhất thiết phải sao chép hay lặp lại mô hình đô thị ở đâu đó, mà vẫn tạo ra sự khác biệt để trở thành một nơi có dấu ấn đậm nét, nơi bạn phải trải nghiệm một lần trong đời trên bản đồ thế giới”. Phát biểu này của Thủ tướng nhận được những tràng vỗ tay của 1.000 đại biểu - trong đó có nhiều doanh nhân trong và ngoài nước - tại diễn đàn.
“Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam như môi với răng”
Nhấn mạnh Đà Nẵng có khả năng trở thành một đầu tàu của toàn miền Trung và Tây Ninh, tương đương với vai trò của Tp.HCM ở miền Nam và Hà Nội ở miền Bắc, song Thủ tướng cũng phân tích, Đà Nẵng chỉ có thể trở thành đầu tàu tăng trưởng, nếu biết tổ chức công việc và phấn đấu quyết liệt.
Còn nếu không, vị trí đầu tàu đó có thể sẽ thuộc về tỉnh Khánh Hoà, hoặc Quảng Nam hay thậm chí Thừa Thiên - Huế.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, cách đây 20 năm, nền kinh tế thành phố Đà Nẵng chỉ chiếm 1% tổng quy mô nền kinh tế, nay đã lên 1,5%. Với dân số 1 triệu người, người dân có mức thu nhập bình quân gần 3.000 USD/năm, thì đây là thành tích đáng ghi nhận.
Tại diễn đàn, số vốn đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, cam kết nghiên cứu đầu tư, thoả thuận cho vay vốn đầu tư có tổng giá trị gần 1 tỷ USD. Đây là một trong những dấu ấn của Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng lần này.
“Đà Nẵng nằm gần 3 di sản thế giới, cố đô Huế, Hội An và Mỹ Khê. Bản thân Đà Nẵng cũng có nhiều danh thắng tuyệt đẹp, làm say lòng du khách như Bà Nà, Sơn Trà, đèo Hải Vân, bờ biển Mỹ Khê... Nếu Đà Nẵng biết kết hợp các tài nguyên du lịch này, có thể tạo ra giá trị cộng hưởng cho các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng nói riêng và toàn miền Trung”, Thủ tướng nói.
“Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam như môi với răng, cần chia sẻ, hợp tác chặt chẽ về vị trí, chiến lược xây dựng phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch, trên một hành lang kinh tế chung của cả 3 tỉnh và rộng hơn là vùng duyên hải miền Trung và 5 tỉnh Tây Nguyên, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”.
Nghiên cứu mở đường bay thẳng nối Đà Nẵng với châu Âu, Mỹ
Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng, để giải quyết các nút thắt quan trọng về lưu thông hàng hoá, như các dự án dường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ga đường sắt.
Ông cho rằng nên nghiên cứu mở các đường bay thẳng nối Đà Nẵng với châu Âu, Mỹ, để biến Đà Nẵng thành một trung tâm hội nghị quốc tế, tài chính kinh doanh…
Đà Nẵng cũng cần sớm hoàn thiện đề án thành lập bổ sung khu kinh tế ven biển Đà Nẵng và quy hoạch tổng thể các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2035.
Thủ tướng đề nghị các bộ ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù phù hợp, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Đà Nẵng cần xác định rõ các nhóm ngành công nghiệp phù hợp, trong đó chú trọng các ngành chủ lực có hàm lượng công nghệ cao như điện, điện tử, cơ khí, công nghiệp phụ tùng ôtô. Đây là yếu tố an toàn để phát triển kinh tế bền vững cho thành phố.
Chính vì vậy, Đà Nẵng cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với Đại học Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, nhanh chóng triển khai dự án đô thị đại học Đà Nẵng và các trường đại học khác.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý cái gốc của xúc tiến đầu tư là chính sách nhất quán, cơ chế hành chính thông thoáng và minh bạch, chính quyền luôn sẵn sàng đối thoại, phát huy tinh thần đồng hành, hỗ trợ, là đối tác tin cậy của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Do vậy, Đà Nẵng cần nỗ lực để tiếp tục giữ vững kết quả dẫn đầu về chỉ số PCI, cần đi từ con số đến hành động, cần vươn ra so sánh với các thành phố trong khu vực, hướng tới các chuẩn mực môi trường kinh doanh trong OECD.
Nhiều việc cần làm để thành thành phố đáng sống
Để Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, theo Thủ tướng, có nhiều vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất, phải có chiến lược đi tắt đón đầu, tăng cường sức mạnh kinh tế, quy mô của nền kinh tế. Quy mô hiện tại còn quá nhỏ so với các thành phố lớn của Việt Nam.
Thứ hai là phải nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu, sân bay, cảng biển... Như ở phía tây rộng lớn nhưng vẫn còn rất thô sơ, chưa được đầu tư.
Thứ ba phải thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính, tức là tăng độ sâu của hệ thống tài chính, tăng hiệu quả phân bổ vốn, đa dạng hoá dịch vụ ngân hàng.
Thứ tư là cải thiện chất lượng và tăng cường hiệu quả của thể chế và năng lực quản lý.
Thứ năm là phát huy tính đa dạng của yếu tố văn hoá, gìn giữ di sản, tạo ra những trải nghiệm tinh tế, sâu sắc cho người dân và du khách.
Thứ sáu, gây dựng nguồn vốn con người, thu hút tài năng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ bảy, vun đắp, bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ môi trường trong lành, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, kiểm soát chất lượng nguồn nước, chất lượng không khí, quản lý đất thải...
Thứ tám, phải làm cho thành phố không ngừng độc đáo, không ngừng sáng tạo, truyền thông về hình ảnh thành phố giàu bản sắc, làm lưu luyến du khách.