Thủ tướng giao 7 nhiệm vụ cho tân Chủ tịch Petro Vietnam
Sau một số sai phạm của cá nhân tại tập đoàn, nhưng tân Chủ tịch Petro Vietnam tin tưởng Đảng, Chính phủ và nhân dân không làm khó người làm dầu khí
Ngày 3/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cho ông Trần Sỹ Thanh, đồng thời giao 7 nhiệm vụ cho tân Chủ tịch tập đoàn.
Ông Trần Sỹ Thanh, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, được Bộ Chính trị điều động làm Chủ tịch Petro Vietnam hồi cuối tháng 12/2017. Ông Thanh sinh năm 1971 tại Nghệ An. Trước khi được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh Lạng Sơn, ông Thanh giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk...
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng ông Trần Sỹ Thanh với quá trình công tác kinh qua nhiều chức vụ, vị trí, nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao trên cương vị là Chủ tịch Petro Vietnam.
Thủ tướng yêu cầu ông Trần Sỹ Thanh cùng tập thể lãnh đạo Petro Vietnam tập trung thực hiện một số nhiệm vụ. Trước hết là tiếp tục đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, trong đó chú trọng và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên. Củng cố bộ máy tốt hơn nữa, xây dựng bộ máy tinh gọn.
Cùng với đó, cần chỉ đạo thực hiện các giải pháp và điều hành phát triển Petro Vietnam theo chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam và Tập đoàn đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 tại Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị, các Quyết định 1748, 1749 của Thủ tướng Chính phủ.
"Các đồng chí mà thất bại thì nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước khó có thể hoàn thành" vì tỉ lệ đóng góp của Tập đoàn khá lớn trong cơ cấu GDP, cơ cấu nộp ngân sách", Thủ tướng nói.
Nhiệm vụ thứ ba mà Thủ tướng giao cho Chủ tịch Petro Vietnam là phải bám sát tình hình biển Đông, phối hợp tốt với các cơ quan liên quan để triển khai các dự án dầu khí ở vùng xa trên thềm lục địa Việt Nam, thực hiện tốt nhiệm vụ đóng góp phát triển kinh tế - xã hội song song với việc bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia.
Thứ tư là rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực; thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017-2020 như đã được phê duyệt. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 1/2018 đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2017-2020, rà soát cơ cấu lại các nguồn lực, thực hiện cơ cấu sắp xếp, cổ phần hóa, trình Thủ tướng trong quý 1 đề án tái cơ cấu tập đoàn, cơ cấu sắp xếp đối với Đại học Dầu khí và Viện Dầu khí Việt Nam…
Thứ năm, Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo các dự án trọng điểm quốc gia như dự án Cá voi xanh, khí lô B…, nhất là xử lý các vấn đề liên quan đến dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị, để khắc phục tình trạng dự án bị chậm lại so với yêu cầu rồi các dự án nâng cấp, mở rộng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các dự án điện…".
"Như vậy, một loạt dự án có nguy cơ chậm trễ đang chờ Chủ tịch mới cùng với Tổng giám đốc, tập thể các đồng chí ở đây thúc đẩy quá trình này", Thủ tướng nói.
Thứ sáu, Thủ tướng lưu ý Chủ tịch cũng như Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Petro Vietnam chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại của 5 dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài mà chưa khắc phục xong, gồm nhà máy xơ sợi Đình Vũ, nhà máy đóng tàu Dung Quất và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí, chống lãng phí tiêu cực, tình trạng "sân trước sân sau", nâng cao hiệu quả sản xuất. Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ công nhân viên của toàn ngành dầu khí.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tân Chủ tịch Petro Vietnam Trần Sỹ Thanh cho hay, mặc dù thời gian qua có một số cá nhân sai phạm ảnh hưởng đến danh dự của ngành dầu khí, nhưng ông tin tưởng, Đảng, Chính phủ, nhân dân không làm khó người làm dầu khí, luôn tạo điều kiện cho những người tràn đầy nhiệt huyết lấy lại khí thế, tâm thế, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chung của ngành.
Ngay sau lễ công bố quyết định, Petro Vietnam đã công bố một số kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của tập đoàn trong năm 2017, trong đó khai thác dầu trong nước vượt 10,5% kế hoạch; khai thác khí vượt 3% kế hoạch; sản xuất điện vượt 2,4% kế hoạch; sản xuất xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vượt 19,5% kế hoạch.
Tổng doanh thu vượt 13,8% kế hoạch (tăng 10,1% so với năm 2016); nộp ngân sách Nhà nước vượt 30,8% kế hoạch (tương đương vượt 22,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2016); lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, hệ số bảo toàn vốn đạt 1,02 lần – bảo đảm an toàn và phát triển vốn...