09:23 08/08/2014

Thủ tướng: “Không tô hồng cũng không bôi đen”

Song Hà

Người đứng đầu Chính phủ có những chỉ đạo quan trọng đối với hoạt động của ngành kế hoạch và đầu tư trong thời gian tới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: không còn cách nào khác là chúng ta phải tăng đầu tư toàn xã hội thông qua huy động mọi nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: không còn cách nào khác là chúng ta phải tăng đầu tư toàn xã hội thông qua huy động mọi nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.
“Chúng ta không tô hồng, thành tích chủ nghĩa, không chủ quan, thỏa mãn nhưng cũng không bôi đen. Phải thấy rõ các mặt được, thuận lợi, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân cũng như bài học kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch một cách sát thực”.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư, tổ chức ngày 7/8 tại Đà Nẵng.

GDP 2015 khoảng 205 tỷ USD

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị cho thấy, tốc độ tăng GDP bình quân 2011 - 2013 đạt khoảng 5,6%/năm; các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều phát triển khá ổn định. Quy mô GDP năm 2015 dự báo khoảng 205 tỷ USD, gấp 1,85 lần so với năm 2010.

Với thực tế đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong đó quan trọng là mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6,5 - 7%, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm, từng bộ, ngành, từng địa phương cần nghiêm túc đánh giá các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong 3 năm 2011-2013, dự báo thực hiện năm 2014-2015, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để xây dựng và thực hiện tốt hơn kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Bên cạnh đó cần tập trung phân tích, dự báo, chủ động có các phương án phù hợp trong quá trình xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020. “Việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và 2015 chính là căn cứ thực tế để xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý rằng, nếu không phấn đấu quyết liệt, thì rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% năm 2014 và cao hơn trong năm 2015, và do đó rất khó có cơ sở để đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7% giai đoạn 2016 - 2020.

“Chúng ta không tô hồng, thành tích chủ nghĩa, không chủ quan, thỏa mãn nhưng cũng không bôi đen. Phải thấy rõ các mặt được, thuận lợi, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân cũng như bài học kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch một cách sát thực”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành kế hoạch và đầu tư phải nâng cao và làm tốt công tác dự báo tình hình, dự báo chiến lược, cả trong nước và quốc tế và kết quả dự báo là căn cứ để tính toán xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Chỉ đạo về nội dung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, Thủ tướng cho biết, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 chỉ ở mức khiêm tốn, với mức tăng khoảng trên dưới 10%/năm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa 13,5 - 14%; và ngày càng giảm trong cơ cấu tổng đầu tư toàn xã hội.

Do đó vốn đầu tư công giai đoạn tới sẽ chỉ tập trung cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, những công trình quan trọng thiết yếu phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế và đời sống của người dân. “Không còn cách nào khác là chúng ta phải tăng đầu tư toàn xã hội thông qua huy động mọi nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước”,  Thủ tướng nói.

Chấm dứt thời kỳ "GDP địa phương"


Liên quan đến nội dung về cách tính, công bố chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP), Thủ tướng yêu cầu các địa phương sử dụng số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố cho giai đoạn 2011-2013; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thống kê rà soát, ước thực hiện 2014, dự báo năm 2015 và ước thực hiện cả giai đoạn 2011-2015 để xây dựng chỉ tiêu này cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Đặc biệt, trước thực tế “GDP địa phương” và “GDP Trung ương” chênh lệch nhau khá lớn, Thủ tướng yêu cầu chấm dứt thời kỳ “GDP địa phương”.

“Phải tính theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đảm bảo chính xác, sát thực tế. Cách tính này chắc chắn sẽ làm giảm các con số thống kê GRDP của các địa phương, nhưng chúng ta cần những con số thật”, Thủ tướng chỉ đạo.