Thủ tướng muốn Mặt trận “phản biện sắc sảo, chân tình” giúp Đảng và chính quyền
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Mặt trận Tổ quốc phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn
Dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra sáng 19/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Mặt trận Tổ quốc cần chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.
Bày tỏ vui mừng đến dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng cho rằng đây là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân cả nước ta.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Thủ tướng dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"; "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc".
Thủ tướng khẳng định, tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Với hoạt động trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng cho rằng, Mặt trận Tổ quốc đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nỗ lực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII; góp phần củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nền tảng vững chắc và là sức mạnh to lớn cho sự ổn định, phát triển của đất nước.
"Chúng ta vui mừng nhận thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, với đà thuận lợi từ những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước qua hơn 30 năm đổi mới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Điểm nổi bật là kinh tế ổn định và liên tục tăng trưởng. Sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng cao. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Cải cách hành chính có bước tiến bộ.
Cùng với đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh quyết liệt hơn bao giờ hết và đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Đồng thời, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế cũng được mở rộng…
Nhiệm kỳ qua, Mặt trận Tổ quốc cũng đã có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giám sát, phản biện xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hoá…
Với những thành tích đạt được, Thủ tướng cho rằng, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị ở nước ta.
Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân tố giác tội phạm
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, cần thẳng thắn thừa nhận, công tác Mặt trận còn những hạn chế, bất cập. Đó là, nội dung và phương thức vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân vẫn chưa đáp ứng kịp thời trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội.
Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận còn hạn chế.
Theo Thủ tướng, hiện nay và trong thời gian tới, tình hình thế giới biến đổi rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường nhưng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là những xu thế lớn. Đồng thời, khoa học, công nghệ có nhiều tiến bộ đột phá, trong đó cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động mạnh mẽ đến lực lượng sản xuất, năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, cơ cấu kinh tế - xã hội, lối sống và sinh hoạt xã hội.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý 4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại và tiếp tục là những thách thức không nhỏ, tuyệt đối không được chủ quan, xem nhẹ.
Đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được khắc phục.
Những diễn biến mới, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng trên Biển Đông, đe dọa hòa bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; sự chống phá của các thế lực thù địch; thiên tai, dịch bệnh và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu… là những nguy cơ gây mất ổn định, tác động đến niềm tin của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với những thực tế như vậy, Thủ tướng đã nhấn mạnh và gợi mở thêm một số vấn đề để đại hội xem xét, thảo luận và quyết định.
Trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xem là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt.
Trong những năm tới, đất nước ta tiếp tục thực hiện mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, do đó Thủ tướng lưu ý Mặt trận cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.
Thủ tướng đề nghị Mặt trận chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
"Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, "lợi ích nhóm", tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân", Thủ tướng lưu ý.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị các cấp ủy đảng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và các cơ quan chính quyền cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Mặt trận. "Đảng và Nhà nước cũng mong muốn nhận được nhiều hơn những ý kiến đề xuất, góp ý xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để Đảng, Nhà nước tiếp thu và hoàn thiện chủ trương, đường lối và phương thức lãnh đạo của mình", Thủ tướng nhắn nhủ đến đại hội.