Thủ tướng nêu 9 trọng tâm Chính phủ sẽ triển khai
Mở đầu phát biểu chiều 1/11, Thủ tướng cảm ơn sự tín nhiệm của Quốc hội đã dành cho Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
Chiều 1/11, trong phiên chất vấn cuối cùng của Quốc hội tại kỳ họp này, từ 15h50 phút, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn.
Trước đó, dù luôn có mặt và nhận được một số chất vấn nhưng ông chưa trả lời trực tiếp như các thành viên khác của Chính phủ.
Mở đầu phát biểu chiều 1/11, Thủ tướng cảm ơn sự tín nhiệm của Quốc hội đã dành cho Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1946:
"Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Chúng ta đang tiếp tục hiện thực hóa mong ước bình dị nhưng vĩ đại này của Bác. Chính vì vậy, sứ mệnh của chúng ta là phải phát triển không ngừng, phát triển bền vững sao cho đất nước trở nên tự lực, tự cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu; người dân được tạo không gian để phát huy cao nhất năng lực và sức sáng tạo của mình; không để người dân nào bị bỏ lại phía sau. Đây cũng chính là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, người đứng đầu Chính phủ nói.
Theo Thủ tướng, gần 75 năm sau ngày độc lập, gần 45 năm sau thống nhất và hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi có nhiều thành công trong phát triển và giảm nghèo.
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) có tên "Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam" ghi nhận trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng chục triệu người, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi Đổi Mới là rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%.
Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.
Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỷ USD năm 1985 lên ước đạt 244 tỷ USD năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 USD nay đã tăng lên gần 2.540 USD (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 USD). Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể.
Nếu như vào đầu thập niên 90, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần Việt Nam nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần thì nay còn khoảng 16 lần; Hoa Kỳ từ 252 lần xuống còn 25 lần; các nước OECD từ 184 lần xuống còn 16 lần…
"Chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững. Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa- tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách phát triển tam nông; đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong các hoạt động của đời sống kinh tế và xã hội; củng cố năng lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, sẵn sàng ứng phó và không để bị bất ngờ trong mọi tình huống hay trước bất kỳ các thách thức và mối đe dọa nào có thể xảy đến", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhận định, chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn.
Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng nói.
Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn
Theo quy luật phát triển, các quốc gia khi đạt mức thu nhập trung bình đều phải đối mặt với thách thức về lợi thế cạnh tranh. Ngân hàng Thế giới đã tổng kết và chỉ ra rằng trong hơn nửa thế kỷ qua, số các quốc gia thoát được đói nghèo để đạt mức thu nhập trung bình là không nhiều, và số các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình để gia nhập nhóm các quốc gia phát triển còn ít hơn nữa. Việt Nam đang ở vào giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn, thách thức này, Thủ tướng nhìn nhận.
Những thách thức được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra sau đó là tiền lương đang có xu hướng gia tăng. Cùng với đó, tốc độ tăng lực lượng lao động của Việt Nam đã giảm khá nhanh từ mức bình quân 2,7%/năm trong giai đoạn 2001-2010 xuống chỉ còn 1,4% trong giai đoạn 2011-2018, và dự báo trong giai đoạn 2011-2030 chỉ còn chưa tới 1%.
Muốn duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia. Tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ. Đổi mới sáng tạo, vì thế, là yêu cầu nội tại có tính cấp thiết của nền kinh tế.
Dẫn dự báo của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, Thủ tướng nhận định, điều này cho thấy các hộ gia đình vẫn đang leo cao hơn trên nấc thang kinh tế sau khi thoát nghèo. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
"Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải bị bỏ lại phía sau. Có câu nói: "một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn". Nhưng tôi cũng xin chia sẻ thêm với các đại biểu: đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn", Thủ tướng phát biểu.
Nhấn mạnh thông điệp tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của ngày hôm nay, Thủ tướng nói: hơn lúc nào hết, chúng ta cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Tôi xin nêu một ví dụ: chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định...Nhân đây tôi đề nghị sửa lại nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Thủ tướng nói tiếp.
9 trọng tâm triển khai thời gian tới
Phần cuối phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm nhanh một số trọng tâm mà Chính phủ sẽ triển khai.
Thứ nhất, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Thứ hai, quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế theo nghị quyết 24 của Quốc hội một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, trong đó có việc giải quyết những yếu kém, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập (nhất là thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, các loại chi phí còn cao, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh,…), nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ba, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, bảo đảm cơ cấu chi ngân sách hợp lý hơn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm bội chi xuống mức 3,5% GDP vào năm 2020. Triển khai hiệu quả, minh bạch kế hoạch đầu tư công theo Nghị quyết 26 của Quốc hội và bảo đảm trần nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong mức Quốc hội quy định, trong đó có việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Ngân sách Nhà nước, hiệu quả sử dụng nợ công, chống thất thu ngân sách.
Bốn, thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải chiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó gỡ bỏ những rào cản cho doanh nghiệp phát triển; giải quyết những vấn đề bất cập, yếu kém trong huy động, phân bổ nguồn lực, quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng mà nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
Năm, ưu tiên phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế, đầu tư phát triển giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc gây bất an trong nhân dân như bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội, tội phạm và mất an ninh trật tự an toàn xã hôi, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, phòng chóng cháy nổ,...
Sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng.
Bảy, tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững sự ổn định chính trị-xã hội và môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Tám, nâng cao hiệu quả đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký.
Chín, nỗ lực hết sức nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn và hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và Quốc hội.
"Vì thời gian có hạn, Thủ tướng Chính phủ không thể đề cập tất cả những vấn đề các vị Đại biểu Quốc hội đã thảo luận, chất vấn và phương án xử lý nhưng Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe, sẽ chỉ đạo, triển khai cụ thể và sẽ báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội tại những kỳ họp tới đây", Thủ tướng kết thúc phần phát biểu.
Việt Nam là một đất nước tự do tôn giáo
Thời gian trả lời chất vấn trực tiếp chỉ còn khoảng 15 phút, Thủ tướng ưu tiên chọn trả lời một số chất vấn đã được đại biểu nêu trước đó.
Phiên chất vấn sáng 1/11, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp.HCM) đặt vấn đề, trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa rồi cho thấy sự tín nhiệm rất cao của các đại biểu Quốc hội đối với Thủ tướng Chính phủ.
Song, qua sự tín nhiệm, đánh giá của đại biểu Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ cao thấp khác nhau, dù biết rằng có một số Bộ trưởng đã có nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém từ nhiều năm trước bước đầu có hiệu quả. Nhưng kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những cơ sở quan trọng cho thấy sự thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng của một số thành viên Chính phủ.
Từ tình hình đó, bà Tâm đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ có giải pháp gì thực sự mạnh mẽ hơn để bộ máy của Chính phủ, các bộ, ngành hoạt động đều tay, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hơn trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
Câu hỏi tiếp theo được Thủ tướng hồi âm là của đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh). Thượng tọa Thích Thanh Quyết đề nghị Thủ tướng làm rõ chính sách để các tôn giáo cùng bình đẳng phát triển.
Thủ tướng nói, Việt Nam có 15 tôn giáo với 42 tổ chức, có hơn 25,3 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Chưa đất nước nào có hàng vạn chùa, nhà thờ khắp đất nước, được Giáo hội phật giáo Thế giới chọn để tiến hành 3 đại hội. Ngôi chùa mới nhất là chùa Tam Chúc đang được xây dựng ở Ninh Bình.
Người đứng đầu chính phủ khẳng định, Việt Nam, như vậy, rõ ràng là một đất nước tự do tôn giáo. Các tôn giáo đều bình đẳng trước phát luật. Thời gian qua, các tôn giáo đều đoàn kết trong nhân dân, có sự đóng góp của hàng triệu tín đồ.
Tất nhiên còn những hiện tượng lợi dụng tôn giáo nhưng chỉ là số rất ít, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết Chính phủ đã có nhiều hướng dẫn để thi hành luật Tôn giáo tín ngưỡng để đảm bảo một trong những quyền cơ bản của công dân, của con người, là công cụ hỗ trợ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Biến đổi khí hậu, xử lý nợ xây dựng cơ bản và động lực tăng trưởng là những vấn đề được đại biểu chất vấn và Thủ tướng chọn trả lời tiếp theo.
Về chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông cửu long của đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) Thủ tướng cho biết đã có những dự án lớn đầu tư cho khu vực này thời gian qua với tổng số vốn lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu rất lớn. Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm để hỗ trợ khu vực này phát triển, Thủ tướng cho biết.
Liên quan đến nợ xây dựng cơ bản mà đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) chất vấn, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã bố trí trên 9.000 tỷ đồng để thanh toán nợ. Đến 31/12/2017, các cơ quan đã thực hiện đúng quy định về việc thanh toán khối lượng nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Hồi âm chất vấn động lực tăng trưởng cho 2019, Thủ tướng cho rằng đó là phát triển doanh nghiệp tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hóa, tăng kích cầu nội địa, phát huy tận dụng tốt các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã ký. Giải pháp căn cơ cho mọi giải pháp là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nói về xử lý kết luận thanh tra đất đai tại Đà Nẵng
Qua 16h30 ít phút, Chủ tịch Quốc hội nhắc đã hết thời gian dành cho Thủ tướng, song ông Nguyễn Xuân Phúc dành hai phút trao đổi thêm về vấn đề xử lý kết luận thanh tra đất đai tại Đà Nẵng đã được nói đến nhiều kỳ họp.
Đó là nội dung tại chất vấn của đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đề cập đến việc thực hiện kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ về quản lý đất đai tại Đà Nẵng. Theo kết luận này, thanh tra yêu cầu Đà Nẵng thực hiện hai nội dung lớn: thứ nhất là thu hồi để sửa lại về thời hạn sử dụng đất trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền Đà Nẵng đã cấp phát sai.
Thứ hai là thu hồi số tiền 5% và 10% mà chính quyền đã giảm trong cấp giấy chứng nhận trong một số các dự án đền bù, giải tỏa.
Theo đại biểu, để thực hiện kết luận này, chính quyền Đà Nẵng buộc phải hạn chế quyền của người sử dụng đất bằng cách tạm thời không cho giao dịch chuyển nhượng, xây dựng trên đất. Điều này đã gây ra những ách tắc lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp cũng như phản ứng quyết liệt trong các buổi tiếp xúc cử tri của đoàn.
Bởi lẽ hầu hết những trường hợp này là những người đã nhận chuyển nhượng, họ không phải là những người đã được giảm 5 - 10% đó và đây đang là vấn đề rất nóng của địa phương. Do vậy, tháng 6/2018 đoàn đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Bà Hoa chất vấn Thủ tướng phương án xử lý vấn đề này như thế nào để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.
Trả lời, Thủ tướng cho biết, tới nay thành phố đã cơ bản thực hiện xong các kết luận thanh tra, chỉ còn 2 vấn đề như đại biểu nêu. Cả 2 việc đó Đà Nẵng đã làm trái pháp luật, tất nhiên do những năm trước chứ không phải do những cán bộ hiện tại. "Đã sai thì nhất định phải sửa sai, khắc phục", Thủ tướng nói.
Thông tin tiếp theo từ Thủ tướng là, ngày 20/7 vừa rồi, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã cùng thành phố thống nhất kế hoạch rà soát những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai quy định với tinh thần bảo vệ quyền lợi cho người dân, mua lại những diện tích đất bị cấp sai mà người dân đã nhận chuyển nhượng.