17:55 29/04/2014

Thủ tướng yêu cầu sớm giảm lãi suất

Từ Nguyên

Ngân hàng Nhà nước phải có kế hoạch chủ động giảm lãi suất ngay từ bây giờ

Theo đánh giá của Chính phủ, dù tình hình chuyển biến tích cực nhưng vẫn
 còn chậm, nhiều vấn đề chưa vững chắc và kinh tế xã hội đang đứng trước
 nhiều thách thức.<br>
Theo đánh giá của Chính phủ, dù tình hình chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm, nhiều vấn đề chưa vững chắc và kinh tế xã hội đang đứng trước nhiều thách thức.<br>
Với tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát có cơ sở kiểm soát dưới 6%, Ngân hàng Nhà nước phải có kế hoạch chủ động giảm lãi suất ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ đến cuối năm.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, ngày 29/4.

Tăng tổng cầu

Theo đánh giá của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội trong 4 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực, Nhiều lĩnh vực, chỉ tiêu của nền kinh tế như tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh, lãi suất giảm, xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt, có giá trị xuất siêu, thu ngân sách tăng gần 37% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tổng phương tiện thanh toá, tăng trưởng tín dụng vẫn còn tăng chậm, tốc độ tăng công nghiệp vẫn chậm, doanh thu bán lẻ hàng hoá dịch vụ vẫn thấp…

Đáng chú ý, theo đánh giá của Chính phủ, dù tình hình chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm, nhiều vấn đề chưa vững chắc và kinh tế - xã hội đang đứng trước nhiều thách thức.

Với thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương phải bám mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra từ đầu năm và quyết liệt chỉ đạo với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải quyết liệt chỉ đạo tăng tổng cầu bằng hai kênh chính là tăng giải ngân vốn đầu tư công, ODA và tăng tín dụng. Trong đó, đối với giải ngân vốn đối ứng, Thủ tướng đề nghị cho phép ứng trước để đẩy nhanh công trình, thậm chí cho ứng đối với các công trình của năm 2015.

Đối với việc tăng tín dụng, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước rà soát lại để cho doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận vốn, qua đó tăng dư nợ tín dụng lên, tất nhiên là phải đảm bảo chất lượng tín dụng, gắn liền với đó là giải quyết nợ xấu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đối với 300 kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết nổi lên là vấn đề cải cách thủ tục hành chính: dù đã có bước tiến dài nhưng so với yêu cầu, với các nước bạn thì chúng ta chưa đạt.

Đối với công tác đăng ký kinh doanh, dù đã được rút ngắn từ hơn 10 ngày xuống 3,5 ngày, nhưng theo Thủ tướng thì "còn nhiều chuyện lắm". Tới đây, phải theo hướng doanh nghiệp được phép làm tất cả những gì pháp luật không cấm, chứ không phải là làm cái gì pháp luật cho phép.

Bên cạnh đó, ông đề nghị siết lại việc thủ tục thu thuế, hải quan, tuyệt đối không để tình trạng người dân đi nộp thuế khó khăn, xảy ra tình trạng thuế khoán rồi chia đôi; phải xem lại đạo đức phẩm chất của cán bộ thuế, hải quan.

“Những cái này chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện được. Để thế này, dân kêu quá”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc cải cách thủ tục hành chính, đồng thời, ông nhắc lại việc hạn chế hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Đề nghị áp giá trần sữa trẻ em

Trước đó, trong phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan này đã có kết quả thanh tra về giá sữa đối với 5 doanh nghiệp lớn, chiếm 90% thị phần sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, bao gồm Vinamilk, Dinh dưỡng 3A, Nestle Việt Nam, HH Capina Việt Nam và Mead Johnson Việt Nam.

Kết quả cho thấy, số tiền chênh lệch giá bán của 11 sản phẩm kiểm tra, tính từ tháng 2 đến hết tháng 3/2014 là hơn 5,2 tỷ đồng.

Qua kiểm tra, nhiều hãng sữa có lợi nhuận trước thuế trên doanh thu đạt từ 23 - 36%, trong khi thông thường các mặt hàng khác chỉ có lợi nhuận 10 - 15%. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị cần có quy định khống chế giá trần đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Bộ cũng kiến nghị hai phương án áp giá trần. Một là đăng ký giá và áp giá bán tối đa trong thời gian 6 tháng kể ngày ngày có quyết định bình ổn giá. Cách thứ hai là đăng ký giá bán trong 6 tháng và giá bán tối đa trong 12 tháng.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, việc áp giá trần sữa là cần thiết, bởi hiện cả nước có gần 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi. Do vậy, nếu kiểm soát giá sẽ có lợi cho hàng chục triệu hộ dân, đặc biệt là người nghèo.

Đặc biệt, qua số liệu của Bộ Tài chính cung cấp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nếu áp giá trần, nhiều hãng sữa lớn như Nestle, Mead Johnson… sẽ phải giảm giá từ 35 - 75 nghìn đồng/hộp.