Thực thi văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam còn mang nặng tính hình thức
Trước sự biến chuyển đột ngột của đại dịch khiến cho doanh số bị sụt giảm, nhân sự lung lay, tài chính bất ổn... văn hóa doanh nghiệp sẽ chính là sức mạnh giúp một tổ chức có thể lớn mạnh, trưởng thành và vượt qua sóng gió...
Cho dù là một doanh nghiệp phát triển lâu năm với hàng chục ngàn nhân viên hay chỉ là một start-up mới thì văn hóa vẫn có thể là vũ khí cạnh tranh không thể bỏ qua. Bất kỳ nhà lãnh đạo nào muốn thúc đẩy tinh thần làm việc của mọi người, kết nối cá nhân với mục tiêu, sứ mệnh của tổ chức đều cần quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp. Đặc biệt với các công ty mới cần phải nhanh chóng thích ứng với thị trường, một nền văn hóa lành mạnh sẽ giúp duy trì sự hào hứng, khơi dậy sức mạnh để vượt qua mọi thử thách.
Nhằm giúp các nhà quản lý đánh giá được hiện trạng thực thi văn hoá doanh nghiệp tại Việt Nam, Blue C – đơn vị tư vấn văn hoá doanh nghiệp, thành viên của tập đoàn MVV Group, đã thực hiện khảo sát 113 doanh nghiệp, đo lường mức độ trưởng thành của hoạt động này.
Khảo sát được thực hiện đánh giá dựa trên 3 khía cạnh: các nền tảng cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp, việc áp dụng vào các quy trình nhân sự và triển khai các hoạt động truyền thông thể hiện văn hóa doanh nghiệp ra bên ngoài.
Theo kết quả khảo sát, trong 6 cấp độ trưởng thành của văn hóa doanh nghiệp thì cấp độ 2 và 3 là phổ biến nhất với tỉ lệ hơn 60%. Nghĩa là cứ 6 trong số 10 doanh nghiệp đang thực thi văn hoá ở mức trung bình trong thang đo độ trưởng thành của văn hoá doanh nghiệp.
Hầu hết (90%) doanh nghiệp đã thiết lập các yếu tố nền tảng của văn hoá doanh nghiệp như tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Hoạt động văn hoá doanh nghiệp đã được chú trọng với việc định hình các ý tưởng và khái niệm đơn giản, áp dụng các hình thức truyền thông để giúp nhân viên nhận biết văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa đến một nửa số doanh nghiệp (45%) xác lập các bộ chuẩn hành vi một cách rõ nét và áp dụng chúng vào các quy trình nhân sự của tổ chức. Điều này dẫn đến hậu quả là việc triển khai hoạt động văn hoá tại nhiều doanh nghiệp còn mang nặng tính hình thức.
Khảo sát cũng cho thấy chỉ có 24% doanh nghiệp đưa bộ câu hỏi tuyển dụng phù hợp với văn hoá bắt buộc vào quy trình tuyển dụng. Việc đánh giá nhân sự và khen thưởng nhân viên theo các tiêu chí của văn hoá doanh nghiệp chưa được chú trọng.
Hầu hết doanh nghiệp vẫn đánh giá dựa trên kết quả công việc và chưa đánh giá nhân viên theo các giá trị mà doanh nghiệp coi trọng. Các tiêu chí văn hóa doanh nghiệp hoặc chưa được xây dựng, hoặc chưa phải là bắt buộc trong quá trình đánh giá nhân viên. Chính vì tách rời văn hoá khỏi quá trình tuyển dụng, đào tạo và đánh giá nhân sự, doanh nghiệp thường dễ gặp sai lầm trong cách thực thi, xem nặng yếu tố truyền thông mà coi nhẹ việc định hướng hành vi với nhân viên.
Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy vai trò của văn hóa doanh nghiệp là quan trọng nhưng chưa có sự đầu tư phù hợp và chưa coi trọng việc đo lường hiệu quả văn hóa doanh nghiệp. Khảo sát cũng cho thấy, có 66.36% lãnh đạo nhận thấy vai trò của văn hóa doanh nghiệp là quan trọng hoặc rất quan trọng. Hơn một nửa (56.64%) doanh nghiệp không có ngân sách dành riêng cho văn hoá hoặc chỉ có ngân sách theo sự vụ. Chỉ có 2 trong khoảng 10 doanh nghiệp (23.01%) là có nguồn lực chuyên trách cho văn hóa doanh nghiệp với các mô tả công việc rõ ràng.
Bên cạnh đó, việc đo lường và đánh giá văn hóa doanh nghiệp cũng chưa được coi trọng. Thông thường, chúng thường được lồng ghép trong một khảo sát chung định kỳ hàng năm, chưa có các khảo sát chuyên sâu cho văn hóa doanh nghiệp. Đáng chú ý, có gần một nửa số doanh nghiệp (46.02%) chưa từng khảo sát, đo lường văn hóa doanh nghiệp. Việc đo lường văn hóa doanh nghiệp cần phải tiến hành định kỳ và thường xuyên hơn. Điều này cũng giúp doanh nghiệp đánh giá được hiệu quả và sự cần thiết phải điều chỉnh trong bối cảnh thay đổi và cần thích ứng liên tục.
Với kinh nghiệm tư vấn văn hóa doanh nghiệp cho nhiều doanh nghiệp tập đoàn lớn, ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C khuyến nghị các nhà lãnh đạo cần thay đổi nhận thức về cách thực thi văn hoá doanh nghiệp.
“Hoạt động văn hóa doanh nghiệp ở khá nhiều công ty, tổ chức đang tập trung chủ yếu ở bề nổi. Các nhà lãnh đạo cần ý thức rằng muốn văn hóa doanh nghiệp “sống” được, cần phải nhúng các nền tảng cốt lõi đã được định hình, bao gồm tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, chuẩn hành vi vào các quy trình tuyển dụng, đánh giá, đào tạo và khen thưởng của tổ chức. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển văn hóa doanh nghiệp bằng cách tập trung vào các giá trị cốt lõi và chuẩn hành vi thay vì tập trung vào các biểu hiện bề nổi, thiên về giải trí và truyền thông," ông Vũ nhấn mạnh.
Thông qua việc đo lường, các lãnh đạo và quản lý văn hoá doanh nghiệp có thể đánh giá được mức độ trưởng thành trong quản trị văn hoá doanh nghiệp, tìm ra các cách thức hành động phù hợp nhất để cải thiện và phát triển văn hóa doanh nghiệp thông qua các yếu tố cụ thể. Có thể nói, xây dựng văn hóa tốt không phải là việc đơn giản, đó là lý do những nền văn hóa hướng tới hiệu suất cao lại trở thành lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ cho doanh nghiệp đến vậy.
Tuy nhiên, những tổ chức xây dựng được văn hóa mạnh sẽ đáp ứng được những thách thức từ thế giới số luôn chuyển động nhanh và lấy khách hàng làm trọng tâm. Khi lãnh đạo và tập thể nhân viên hiểu đúng về văn hóa doanh nghiệp và triển khai đúng cách, doanh nghiệp chắc chắn sẽ tìm được lợi thế cạnh tranh của riêng mình.