16:45 10/07/2025

5 chiến lược giúp doanh nghiệp Việt củng cố năng lực vận hành trong thời kỳ nhiều biến động

Khánh Huyền

Trật tự kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch theo hướng phân mảnh, bất định và gia tăng cạnh tranh chiến lược. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào xu hướng phục hồi mà cần tập trung củng cố năng lực nội tại và tăng cường hội nhập khu vực để đảm bảo tính liên tục và hiệu quả trong hoạt động...

Tại hội nghị “Triển vọng Kinh doanh Việt Nam 2025: Năng lực thích ứng trong kỷ nguyên bất định”, do UOB Việt Nam và EuroCham đồng tổ chức, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, UOB Việt Nam, nhấn mạnh rằng bên cạnh tâm lý lạc quan, doanh nghiệp cần rà soát toàn diện các khoảng trống chiến lược để thích nghi hiệu quả.

Dẫn chứng từ báo cáo Nghiên cứu Triển vọng doanh nghiệp UOB 2025 (UOB BOS 2025), ông Lim cho biết 80% doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng môi trường kinh doanh sẽ cải thiện, mức cao thứ hai trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, con số này giảm còn 48% sau thông tin về chính sách thuế mới từ Hoa Kỳ, cho thấy sự nhạy cảm của tâm lý doanh nghiệp trước các biến động bên ngoài.

“Tâm lý lạc quan là cần thiết, nhưng năng lực chuẩn bị và khả năng phản ứng mới là nền tảng quyết định khả năng thích nghi và tăng trưởng trong bối cảnh bất định,” ông Lim nhận định.

TỪ NHẬN DIỆN THÁCH THỨC ĐẾN ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC

Tại sự kiện, ông Lim chia sẻ những đúc kết từ báo cáo Nghiên cứu Triển vọng doanh nghiệp UOB 2025, tập trung vào các trụ cột chiến lược giúp doanh nghiệp đối mặt với bối cảnh đầy thách thức:

Từ tâm lý lạc quan sang năng lực thích ứng: Linh hoạt hóa vận hành là yếu tố then chốt để duy trì năng lực cạnh tranh dài hạn.

ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, UOB Việt Nam.
ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, UOB Việt Nam.

Từ chuyển đổi số diện rộng sang hiệu quả quản trị: Chuyển đổi số cần tập trung vào giá trị thực tiễn thay vì chỉ chạy theo tốc độ.

Từ tuân thủ ESG sang xây dựng lợi thế bền vững: ESG không chỉ là yêu cầu tuân thủ mà còn là đòn bẩy tạo sự khác biệt trên thị trường.

Từ chuỗi cung ứng nội địa sang liên kết khu vực: Tăng cường kết nối thương mại nội khối ASEAN để nâng cao sức chống chịu.

Từ mở rộng quy mô sang tối ưu hiệu suất: Tăng trưởng bền vững phải dựa trên nền tảng vận hành hiệu quả.

“Mỗi định hướng không chỉ là kết quả khảo sát mà còn là khuyến nghị chiến lược, giúp doanh nghiệp tái định hình năng lực phản ứng và điều chỉnh hành trình tăng trưởng,” ông Lim nhấn mạnh.

ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP NÂNG CAO NĂNG LỰC VẬN HÀNH

Trong phiên thảo luận chuyên sâu, các doanh nghiệp chia sẻ những câu chuyện thực tiễn liên quan đến các trụ cột chiến lược từ nghiên cứu của UOB. Bên cạnh nỗ lực nội tại và sự hỗ trợ từ chính sách Chính phủ, nhu cầu về sự đồng hành từ các đối tác tài chính có năng lực tư vấn chiến lược được nhấn mạnh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hiệu quả các mục tiêu tăng trưởng.

Hội nghị “Triển vọng Kinh doanh Việt Nam 2025: Năng lực thích ứng trong kỷ nguyên bất định”, do UOB Việt Nam và EuroCham đồng tổ chức.
Hội nghị “Triển vọng Kinh doanh Việt Nam 2025: Năng lực thích ứng trong kỷ nguyên bất định”, do UOB Việt Nam và EuroCham đồng tổ chức.

Nghiên cứu của UOB chỉ ra rằng 89% doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch mở rộng ra thị trường quốc tế, tỷ lệ cao nhất trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu mô hình vận hành đủ tích hợp để hiện thực hóa chiến lược mở rộng một cách bền vững. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết về các đối tác tài chính có khả năng đồng hành và hỗ trợ thực thi kế hoạch.

Ông Lim Dyi Chang khẳng định: “Tại UOB, chúng tôi cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình tăng trưởng dài hạn thông qua các giải pháp thiết thực.” Cụ thể, UOB tập trung hỗ trợ doanh nghiệp:

Thúc đẩy chuyển đổi bền vững thông qua các khoản vay xanh và giải pháp tài chính phù hợp với tiêu chuẩn ESG.

Tối ưu hóa hiệu quả vận hành và đầu tư với hệ sinh thái số tích hợp.

Quản trị chuỗi cung ứng tài chính (FSCM) để nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả dòng tiền.

Hỗ trợ mở rộng thị trường thông qua mạng lưới ASEAN tích hợp và trung tâm tư vấn FDI chuyên biệt.

“Kết quả khảo sát chỉ là điểm khởi đầu,” ông Lim kết luận. “Điều quan trọng hơn là khả năng chuyển hóa những phát hiện thành hành động cụ thể. Trong bối cảnh nhiều biến số, doanh nghiệp có năng lực thích ứng và chuẩn bị tốt sẽ tiên phong tạo dựng lợi thế chiến lược.”

Khảo sát chính của báo cáo Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2025 của UOB được thực hiện vào tháng 1 năm 2025, với sự tham gia của khoảng 4.200 doanh nghiệp tại ASEAN và Trung Quốc, trong đó có 532 doanh nghiệp đến từ Việt Nam. Sau khi Hoa Kỳ công bố các mức thuế đối ứng vào đầu tháng 4 năm 2025, một khảo sát nhanh tiếp theo được thực hiện từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 4 với khoảng 800 doanh nghiệp.

Để xem toàn bộ nội dung báo cáo Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2025 của UOB - Báo cáo cho thị trường Việt Nam, vui lòng truy cập: https://www.uobgroup.com/asean-insights/articles/uob-business-outlook-study-2025-vietnam.page.