06:00 05/10/2021

Phải “khám sức khỏe” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Lưu Hà

Ở các doanh nghiệp lớn, việc trụ lại trong đại dịch là thách thức, nhưng ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), bức tranh được Tổng cục Thống kê ghi nhận cho thấy tình hình khó khăn hơn rất nhiều...

Kể từ đầu năm 2021 đến nay, mỗi tháng có trên 10.000 doanh nghiệp Việt Nam dừng hoạt động, chờ giải thể, phá sản. Theo dự báo, con số doanh nghiệp dừng hoạt động trong năm 2021 tại Việt Nam có thể lên đến 150.000 nếu đại dịch không được khống chế sớm.

DOANH NGHIỆP NHỎ NÊN “ỐM” RẤT NẶNG

Khảo sát do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện vào giữa tháng 8/2021 vừa qua, với sự tham gia của 21.517 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho thấy có 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) đã phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch. Hầu hết trong số này là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp cũng đã xây dựng cho mình kế hoạch trở lại hoạt động, nhưng việc cân chỉnh lại bộ máy sản xuất tương đối khó khăn. Những khó khăn hiện hữu là dòng tiền hoạt động đang cạn dần, chi phí xét nghiệm đội lên cao, lao động thiếu hụt trầm trọng, chuỗi cung ứng vẫn chưa nối lại… Đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa thừa nhận đã đuối sức, nếu không được hỗ trợ trong thời gian tới thì sẽ khó vào guồng sản xuất trở lại.

Chi phí xét nghiệm là một trong những khoản phải giải quyết đầu tiên khi doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại. Ông Lê Vũ Đài - giám đốc một công ty sản xuất đồ nội thất tại quận 12, cho biết công ty của ông hiện duy trì chế độ cho 150 nhân viên để đảm bảo đủ nhân lực khi hoạt động trở lại. Nếu tổ chức xét nghiệm hàng tuần thì chi phí sẽ mất khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đơn hàng chưa ổn định, khoản chi phí xét nghiệm đang là gánh nặng. 

Đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa thừa nhận đã đuối sức, nếu không được hỗ trợ trong thời gian tới thì sẽ khó vào guồng sản xuất trở lại.
Đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa thừa nhận đã đuối sức, nếu không được hỗ trợ trong thời gian tới thì sẽ khó vào guồng sản xuất trở lại.

Thiếu nhân lực cũng là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi dịch bùng phát mạnh, đã có nhiều địa phương tổ chức đưa người lao động đang kẹt tại miền Nam về quê, một số lớn tự về bằng đủ các phương tiện. Ngoài chuyện vướng mắc các quy định phòng dịch, người lao động về quê chưa được tiêm vaccine và cũng chỉ vài tháng nữa hết năm nên họ không mặn mà với việc quay trở lại sản xuất.

Bên cạnh đó, khảo sát của Ban IV cũng cho thấy hơn một nửa số các doanh nghiệp còn đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho biết dòng tiền hiện tại chỉ có thể giúp duy trì họ hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng. Doanh nghiệp không thu được công nợ nên không đủ chi phí trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và những khoản vay đến hạn chưa có khả năng đáo hạn, ngân hàng siết chặt các khoản vay.

 
Đa phần doanh nghiệp đều cần được hỗ trợ, từ tiêm vaccine tới việc giảm thuế, từ tiếp cận vốn ngân hàng tới nguyện vọng được giảm lãi suất thấp... Ngay cả việc cấp giấy đi đường các doanh nghiệp cũng rất mong muốn được chính quyền sở tại hỗ trợ sớm.

Ông Nguyễn Vinh Huỳnh, Phó giám đốc Công ty VMPC (Hà Nội), cho biết công ty đang “khát” vốn để mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách, khi xuất khẩu giảm thêm 6% thời gian gần đây và giảm mạnh 60 - 70% kể từ khi bùng phát dịch Covid-19. Gần đây, cước vận chuyển tăng đột biến, nhiều đơn bị huỷ, chậm, khách hàng không chấp nhận tăng giá… khiến chi phí giao mỗi chuyến hàng tăng thêm cả trăm triệu đồng.

“Càng bán hàng càng lỗ nhưng phải chấp nhận để giữ chân đối tác, giữ chân thị trường”, ông Huỳnh nói và cho biết công ty đã mất gần 60 tỷ đồng doanh thu thời gian qua. “Trong khi đó, lãi ngân hàng vẫn treo trên đầu, chỉ ai trong hoàn cảnh này mới hiểu”, ông Huỳnh than thở.

CẦN ĐƯỢC TRỢ LỰC, TIẾP “MÁU”

Ông Trần Văn Hiển, Phó trưởng Ban Đào tạo và hội viên, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết chưa bao giờ việc hỗ trợ doanh nghiệp lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Đa phần doanh nghiệp đều cần được hỗ trợ, từ tiêm vaccine tới việc giảm thuế, từ tiếp cận vốn ngân hàng tới nguyện vọng được giảm lãi suất thấp... Ngay cả việc cấp giấy đi đường các doanh nghiệp cũng rất mong muốn được chính quyền sở tại hỗ trợ sớm.

Trong đó, để vận hành trở lại, vấn đề “tiền đâu” là nỗi lo của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay. Khảo sát của Ban IV cho thấy tiền được ví như là nguồn sống của doanh nghiệp, nhưng phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu “máu”. Hơn 40% doanh nghiệp phản ánh chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng. Tỷ lệ này ở công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phần là 39,5%. Điều này cho thấy nếu không có hỗ trợ thì khả năng giải thể là rất cao.

Theo phản ánh, việc vay vốn từ ngân hàng cũng rất khó khăn. Các ngân hàng cho rằng phần nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện có thông tin tài chính kế toán không đảm bảo tính minh bạch, khó thẩm định hồ sơ cho vay vốn. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp nhỏ không còn tài sản thế chấp để vay khoản mới và không đảm bảo nguồn thu để trả nợ nên cho vay sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn. Còn với những doanh nghiệp nào đã “chết lâm sàng” thì gần như không có cơ hội được vay vốn.

Một nửa số các doanh nghiệp còn đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho biết dòng tiền hiện tại chỉ có thể giúp duy trì họ hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng. 
Một nửa số các doanh nghiệp còn đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho biết dòng tiền hiện tại chỉ có thể giúp duy trì họ hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng. 

Đối mặt với khó khăn chưa từng có, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại TP.HCM đã phải kêu gọi 5.000 chữ ký vào lá thư kiến nghị trực tuyến để gửi đến Chính phủ. Các kiến nghị của doanh nghiệp được chia làm ba hạng mục: người lao động, chính sách thuế - chi phí và tài chính - ngân hàng. Chẳng hạn, doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4% từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau khi công bố hết dịch. Doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ khoanh nợ và giãn nợ gồm cả nợ gốc và lãi đối với các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc gặp khó khăn, không có khả năng thanh toán vì Covid-19...

Chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp Phạm Việt Anh cho rằng trong ngắn hạn, các chính sách hỗ trợ tín dụng cho nhóm SME dẫu cần nhưng không thực sự thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng do tính rủi ro thanh toán cũng như các khoản nợ có bảo đảm của nhóm này là rất thấp so với những doanh nghiệp lớn. Chính sách hữu hiệu hơn là giảm thuế, hợp pháp hóa một mức thuế đặc biệt cho nhóm này, thay vì áp một mức thuế chung cho tất cả doanh nghiệp. Ví dụ, 15% thuế thu nhập áp dụng cho doanh nghiệp có quy mô doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm và 18% từ trên 20 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng/năm...

Về phía doanh nghiệp, phát triển năng lực tiếp cận tài chính sẽ mở ra nhiều cơ hội thành công tiếp cận nhiều nguồn tài chính, giúp cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất. Đối với các ngân hàng, các tổ chức tài chính, việc am hiểu từng loại hình doanh nghiệp sẽ giúp xây dựng các chính sách tín dụng và chính sách sản phẩm phù hợp nhất. Điều này vừa giúp các tổ chức tín dụng quản trị tài chính, vừa giúp doanh nghiệp xây dựng các dòng tiền trả nợ phù hợp với dòng tiền của doanh nghiệp.