Thương chiến Mỹ-Trung chấm dứt “thập kỷ vàng” của kinh tế Đức?
Đức - nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và lớn nhất châu Âu - đang hứng chịu một “cơn bão hoàn hảo” những yếu tố bất lợi
Nền kinh tế Đức đã suy giảm trong quý 2 năm nay, khi bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu và thương chiến Mỹ-Trung ảnh hưởng mạnh đến ngành sản xuất của nước này.
Thống kê công bố ngày 14/8 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 của Đức giảm 0,1% so với quý 1. Trong quý đầu năm, kinh tế Đức tăng 0,4%.
"Báo cáo GDP ngày hôm nay đánh dấu sự chấm hết ‘thập kỷ vàng" của nền kinh tế Đức", chuyên gia kinh tế trưởng tại Đức của ngân hàng ING, ông Carsten Brzeski, nhận định với trang CNN Business.
Theo giới chuyên gia, Đức - nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và lớn nhất châu Âu - đang hứng chịu một "cơn bão hoàn hảo" những yếu tố bất lợi.
Kinh tế Đức vốn có mức độ phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và Mỹ - hai quốc gia đang lún sâu vào cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm qua. Nhu cầu yếu đi của thị trường ôtô toàn cầu đang gây thiệt hại doanh số cho các hãng xe Đức, vốn là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế nước này.
Nhu cầu xe đặc biệt giảm mạnh tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Doanh số bán xe mới ở Trung Quốc đã giảm tháng 13 liên tiếp, đánh dấu đợt giảm chưa từng có trong lịch sử. Đây thực sự là một vấn đề lớn đối với các "ông lớn" xe hơi Đức như BMW, Daimler và Volkswagen.
Thách thức càng lớn hơn khi sự suy giảm này diễn ra đúng vào lúc các hãng xe Đức đầu tư mạnh để sản xuất xe có mức độ gây ô nhiễm thấp hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp Đức cũng có xu hướng cắt giảm hoặc gác lại các kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh do lo ngại xảy ra một vụ Brexit hỗn loạn - Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận nào vào cuối năm nay.
Trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu, Đức giữ vai trò trụ đỡ cho tăng trưởng của kinh tế châu Âu, và sản xuất công nghiệp chính là đầu tàu của kinh tế Đức.
Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp Đức trong tháng 6 năm nay giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số niềm tin kinh tế ZEW của Đức trong tháng 8 này giảm mạnh, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2011.
Ông Brzeski nhấn mạnh rằng môi trường bất ổn là nhân tố tiêu cực lớn nhất đối với kinh tế Đức hiện nay. "Bấp bênh gia tăng, thay vì ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột thương mại, đã gây sứt mẻ niềm tin và do đó cản trở hoạt động kinh tế", ông nói.
Ông Oliver Rakau, chuyên gia kinh tế trưởng của Oxford Economics, dự báo kinh tế Đức có thể tăng trưởng nhẹ trở lại trong quý 3 này nhờ nhu cầu vững của thị trường nội địa. "Vấn đề nằm ở chỗ xuất khẩu và sản xuất công nghiệp sẽ ra sao trong thời gian tới", ông Rakau nhận định.
Theo vị chuyên gia này, dữ liệu kinh tế xấu có thể buộc Chính phủ Đức chi tiêu nhiều hơn để kích cầu nền kinh tế trong năm 2020. Điều này không chắc chắn vì Đức vốn là một quốc gia rất thận trọng với chuyện vay nợ, nhưng áp lực đối với Berlin sẽ rất lớn nếu thương chiến Mỹ-Trung kéo dài.
Kinh tế Đức suy giảm cũng sẽ củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có động thái chính sách nào đó trong cuộc họp tháng 9. Giới chuyên gia kinh tế dự báo ECB có thể cắt giảm lãi suất từ mức vốn đã thấp kỷ lục hiện nay. Ngoài ra, ECB cũng có thể tái khởi động chương trình mua trái phiếu để thông qua đó bơm tiền vào nền kinh tế.