09:56 06/01/2007

Thương mại Việt-Nga trước cơ hội và thách thức mới

Hoàng Anh Tuấn thực hiện

"Xuất khẩu của Việt Nam vào Liên bang Nga sẽ gặp khó khăn đáng kể", ông Vũ Trọng Nghĩa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga dự báo

Một khu chợ tại thủ đô Moskva (Nga) - Ảnh: BBC.
Một khu chợ tại thủ đô Moskva (Nga) - Ảnh: BBC.

"Xuất khẩu của Việt Nam vào Liên bang Nga sẽ gặp khó khăn đáng kể", ông Vũ Trọng Nghĩa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga dự báo.

Ông có thể cho biết doanh nghiệp Nga đang có những động thái  gì cho “cuộc chơi” mới ở Việt Nam, đặc biệt sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)?

Việt Nam vừa là một nước trong khối ASEAN vừa có quan hệ truyền thống với Nga, đã trở thành cửa ngõ, cầu nối giữa Nga với ASEAN.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga Putin tháng 11/2006, bên cạnh ý nghĩa chính trị to lớn, mang một nội dung kinh tế rõ rệt. Cùng đi với Tổng thống là đội ngũ của những tập đoàn kinh tế, những hãng tài chính và kinh doanh có tên tuổi của nước Nga sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Về góc độ thương mại, mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều trong năm 2006 có giảm sút, chủ yếu do giảm nhập khẩu sắt thép, thiết bị, ô tô và phụ tùng từ Nga về Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam vào Liên bang Nga đã đạt được tốc độ tăng trưởng đáng kể, với tốc độ tăng trưởng đến 60%, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 400 triệu USD.

Bên cạnh các thuận lợi cơ bản như đã nêu, quan hệ thương mại Việt-Nga bước vào năm 2007 với không ít khó khăn và thách thức.

Với 2 cuộc bầu cử Nghị viện vào cuối năm 2007 và Tổng thống vào đầu năm 2008, chính trường Nga dần nóng lên và chứa đựng các diễn biến chính trị phức tạp. Kinh tế Nga, dựa trên cơ sở giá dầu và nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao, vẫn có mức độ tăng trưởng cao và các nguồn dự trữ cũng sẽ ở mức kỷ lục.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng mức tăng trưởng trong nền kinh tế Nga đạt được chỉ tập trung chủ yếu trong các ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Xuất khẩu của Việt Nam vào Liên bang Nga sẽ gặp khó khăn đáng kể. Việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với lao động nhập cư và lệnh cấm người nước ngoài kinh doanh bán lẻ tại các sạp chợ có hiệu lực từ 1/1/2007 sẽ làm giảm một lượng hàng dệt may, giày dép, hàng tạp phẩm...  trên thị trường nội địa Nga dẫn đến giảm nguồn cung cấp từ các nước nhập khẩu trong đó có hàng từ Việt Nam, chưa kể một số chủ hàng người

Việt phải dừng kinh doanh các mặt hàng này, ảnh hưởng không nhỏ tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Liên bang Nga.

Ông đánh giá như thế nào sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hoá thương mại với Quy chế PNTR? Theo ông, sự kiện Việt Nam gia nhập WTO có ảnh hưởng gì đến quan hệ hợp tác  kinh tế Việt - Nga?

Với việc Việt Nam trở thành thành viên WTO từ ngày 11/1/2007, thị trường của 149 nước thành viên WTO đã rộng mở cho hàng hoá Việt Nam, thì nước Nga với các điều kiện kinh doanh như hiện nay có thể trở nên kém hấp dẫn dưới con mắt của một bộ phận các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian trước mắt.

Tuy nhiên, cần khẳng định rằng về lâu dài Liên bang Nga là một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho giới doanh nhân Việt Nam. Để tiếp tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cần phải có các hình thức tiếp cận mới, đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường...

Vậy theo ông, cần làm gì để đẩy mạnh hơn nữa thương mại giữa hai nước?

Theo tôi, cần thiết triển khai cấp bách một số công việc sau:  nâng cao vai trò và hiệu quả công việc của Uỷ ban liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật, đặc biệt là vai trò của Tiểu ban thương mại và đầu tư của Uỷ ban trong việc xây dựng và giám sát thực hiện kế hoạch hành động cho các năm tới (2007-2010), thúc đẩy buôn bán hai chiều đạt mục tiêu 2 tỉ USD mà lãnh đạo hai nhà nước đã đặt ra.

Các cơ quan kiểm dịch và bảo vệ động thực vật 2 nước cần xúc tiến các cuộc gặp và đi đến thoả thuận và ký kết các Hiệp định về công nhận lẫn nhau về việc cấp giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn thực phẩm giữa 2 nước, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu 2 nước tăng trao đổi hàng hoá.

Cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thông báo sớm và có các chương trình thực thi cụ thể đối với các đề án xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, có sự phối hợp đồng bộ từ các doanh nghiệp, nhà tổ chức Việt Nam, thương vụ và nhà tổ chức nước ngoài cho các biện pháp xúc tiến thương mại. 

Cần dành một phần kinh phí từ quỹ ngoại giao phục vụ kinh tế (thuộc Bộ Ngoại giao quản lý) hoặc từ quỹ xúc tiến thương mại (do Bộ Thương mại quản lý) cho thương vụ sử dụng để xúc tiến thương mại tại chỗ (tham gia vào các hội nghị, hội thảo, showroom, các chuyến công tác, hội chợ triển lãm chuyên ngành...), xây dựng website của Thương vụ nhằm phục vụ thông tin cập nhật cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước sở tại.