16:28 11/07/2014

Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết về biển Đông

Diệp Vũ

Bản nghị quyết nhận được 100% phiếu thuận, thúc giục Trung Quốc trả biển Đông lại nguyên trạng như trước ngày 1/5/2014

Thượng viện Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng trên 
biển gắn với giàn khoan này khỏi hiện trường, trả biển Đông lại nguyên 
trạng như trước ngày 1/5/2014.
Thượng viện Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng trên biển gắn với giàn khoan này khỏi hiện trường, trả biển Đông lại nguyên trạng như trước ngày 1/5/2014.
Với 100% phiếu thuận, Thượng viện Mỹ ngày 10/7 đã thông qua một nghị quyết về an ninh hàng hải trên biển Đông, trong đó yêu cầu Trung Quốc thiết lập lại nguyên trạng trên vùng biển này như trước ngày 1/5/2014.

Đây là nghị quyết mang số hiệu S.RES.412, có tên gọi đầy đủ là “Nghị quyết khẳng định lại sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ đối với tự do hàng hải và sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời quốc tế ở châu Á-Thái Bình Dương, và tìm kiếm giải pháp ngoại giao hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải”.

Bản nghị quyết trên đã được bảo trợ bởi các nghị sỹ có ảnh hưởng hàng đầu trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Trong số các nghị sỹ hậu thuẫn này có các nghị sỹ Patrick Leahy, Cardin Benjamin và Dianne Feinstein thuộc đảng Dân chủ, cùng các nghị sỹ John McCain, Robert Menendez, James Risch và John Cronyn thuộc đảng Cộng hòa.

Bản nghị quyết nêu rõ, Mỹ không phải là một quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, nhưng là một cường quốc ở châu Á-Thái Bình Dương, có lợi ích quốc gia gắn với giải quyết tranh chấp tại khu vực này bằng con đường ngoại giao và hòa bình, thay vì thông qua áp đặt hay đe dọa bằng vũ lực. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng liệt kê hàng loạt hành động của Trung Quốc mà các nghị sỹ Mỹ cho là vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS).

Các hành động phi pháp của Trung Quốc mà nghị quyết liệt kê bao gồm việc Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở không phận biển Hoa Đông vào tháng 11/2013 mà không hề có sự tham vấn Mỹ hay các quốc gia láng giềng trong khu vực. Từ năm 2012, Trung Quốc đã nhiều lần đưa tàu công vụ vào hải phận xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Vào tháng 12/2013, một tàu chiến của quân đội Trung Quốc đột ngột cản đường và dừng cách chiến hạm Mỹ USS Cowpens chỉ khoảng 500 m ở biển Đông, buộc tàu Mỹ phải chuyển hướng.

Đặc biệt, bản nghị quyết nêu rõ, vào ngày 1/5/2014, Tập đoàn Dầu khí hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Giàn khoan này ban đầu được 25 tàu các loại hộ tống. Sau đó, Trung Quốc điều thêm hơn 80 tàu, gồm 7 tàu quân sự để bảo vệ giàn khoan phi pháp này. Trung Quốc đã dùng cả vòi rồng và máy bay trực thăng để đe dọa tàu Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chấp pháp tại hiện trường.

Bản nghị quyết khẳng định, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và các hành động trên biển Đông không hề được làm rõ thông qua luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, và đó là một nỗ lực đơn phương để làm thay đổi nguyên trạng, có thể đã  vi phạm Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên biển Đông 2002 (DOC).

Trên website của Quốc hội Mỹ tại địa chỉ www.congress.gov, bản nghị quyết trên đã được tóm tắt với 4 điểm cơ bản là:

Thứ nhất, lên án các hành động sử dụng vũ lực cản trở tự do hàng không ở không phận quốc tế và làm thay đổi nguyên trạng hoặc gây bất ổn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ hai, kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trong việc triển khai ADIZ ở biển Hoa Đông và các khu vực khác tại châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ ba, khen ngợi Nhật Bản và Hàn Quốc vì sự kiềm chế của hai nước này.

Và thứ tư, kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng trên biển gắn với giàn khoan này khỏi hiện trường, trả biển Đông lại nguyên trạng như trước ngày 1/5/2014.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đưa ra 5 hướng dẫn chính sách với chính phủ Mỹ, bao gồm: ủng hộ các đồng minh và đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; phản đối việc vi phạm các quyền, sự tự do và việc sử dụng biển hợp pháp; xử lý tranh chấp không phải bằng đe dọa hay vũ lực; ủng hộ phát triển các định chế khu vực nhằm tăng cường hợp tác và củng cố vai trò của pháp luật quốc tế; và đảm bảo các hoạt động bình thường của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.