19:26 20/08/2012

Tiếp xúc cử tri, ít gặp đại diện doanh nghiệp

Nguyên Vũ

Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội vẫn nặng về thủ tục hành chính

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội - Ảnh: N.H
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội - Ảnh: N.H
Trong khi một số ý kiến quan ngại về tình trạng “cử tri chuyên nghiệp” trong các cuộc tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội (đa phần là không chuyên trách), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại băn khoăn khi thấy ít đại diện doanh nghiệp, cả nhà nước và dân doanh, có mặt tại các hoạt động này.

Đổi mới như thế nào cả về nội dung và hình thức để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội là vấn đề được thảo luận sôi nổi tại phiên họp chiều 20/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một phần câu trả lời liên quan đến băn khoăn của ông Ksor Phước có lẽ đã được Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hiền, đồng thời là Trưởng ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung nghị quyết về hướng dẫn việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri nêu tại tờ trình về nội dung này.

Đó là, đến nay hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn chưa đa dạng về hình thức, nội dung, nặng về thủ tục hành chính, lúng túng trong tổ chức thực hiện và chưa thu hút được nhiều cử tri quan tâm. Thời gian dành để cử tri phát biểu còn ít, việc giải trình, tiếp thu của đại biểu Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền ở địa phương vẫn còn chưa thấu đáo, chưa đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của cử tri.

Ở dự thảo “Nghị quyết liên tịch về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội” mới được xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, bên cạnh tiếp xúc định kỳ trước và sau kỳ họp, nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực đã bổ sung hoạt động tiếp xúc cử tri theo đối tượng, địa bàn đại biểu Quốc hội quan tâm. Đồng thời bổ sung hình thức liên hệ, trao đổi với cử tri thông qua điện thoại, thư điện tử, thư bưu chính…

Điểm mới nữa là quy định bổ sung theo hướng việc tiếp xúc cử tri là do từng đại biểu thực hiện (một điểm tiếp xúc có một đại biểu Quốc hội), chỉ trong trường hợp cần thiết thì mới tổ chức để 2 hoặc 3 đại biểu cùng tiếp xúc cử tri (như hiện nay).

Và, mặc dù vẫn còn có ý kiến băn khoăn trong quá trình chuẩn bị, song dự thảo nghị quyết vẫn bổ sung quy định cử tri ở đơn vị bầu cử tham gia góp ý kiến với đại biểu Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri vào sau kỳ họp cuối mỗi năm.

Dù đều khẳng định sự cần thiết phải gắn bó chặt chẽ với nhân dân, nghe cử tri góp ý, song cũng còn ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về tính toàn diện khi đại biểu chỉ tiếp xúc được cử tri ở một số nơi trong đơn vị bầu cử.

Không nên quy định việc tổ chức để cử tri tham gia ý kiến nhận xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội vì khó thực hiện cũng là quan điểm chung của ba ý kiến tại hội nghị góp ý cho dự thảo nghị quyết.

Theo thống kê từ các đoàn đại biểu Quốc hội, 7 năm qua đã có 24.446 cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội được tổ chức, thu hút 2.438.283 lượt cử tri tham dự. Đã có 57.169 ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước ở trung ương và các cơ quan, tổ chức ở địa phương, trong đó có 24.216 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương.