08:58 12/02/2021

Mứt dừa – hương trái miền Tây

Tường Bách

Sau ngày hai mươi ba tháng Chạp, phần lớn các gia đình chuẩn bị làm mứt ăn Tết.

Ngày Tết cổ truyền,. có nhiều món mứt trong các gia đình ở làng quê. Mứt tết ở đây thật phong phú, đa dạng, khó mà kể hết, kể đủ, nhưng tạm phân loại như sau: Mứt có gốc từ các loại quả (Mứt me, mứt cà, mứt dừa, mứt mãng cầu, mứt tắc, mứt chuối, mứt chùm ruột,…), mứt được làm từ một số loại củ (mứt củ năng, mứt gừng, mứt khoai, mứt cà rốt, mứt củ sen…) và mứt được chế biến từ các hạt (mứt hạt sen, mứt đậu trắng, mứt đậu phộng,…).
Sau ngày hai mươi ba tháng Chạp, phần lớn các gia đình chuẩn bị làm mứt ăn Tết. Tuy nói có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là mứt dừa và mứt chuối. Vào những ngày chợ Tết cuối năm, thấy mấy bà nội trợ lo mua gừng, mua chuối là biết họ sắp sên mứt. Chuối để chín, ép từng trái rồi đem phơi khô, thái nhuyễn. Khác với cách làm mứt gừng, khi đường thắng gần tới mới bỏ chuối đã thái vào chảo rồi mang xuống, nếu bỏ thêm đậu phộng thì ăn sẽ ngon hơn. Sên mứt là quá trình chuẩn bị thật kỹ lưỡng và khéo léo, công phu.
Món mứt được chấm điểm là sau khi sên không bị lợi đường. Mứt bị lợi đường tức mứt và đường rời ra, không dẻo và dính lại, khi ăn rất khó vít. Lúc xào, mùi mứt thơm lừng từ trong bếp ra đến sân - một hương vị tết đang đến gần từng nhà, từng người trong các thôn, xóm. Mứt được cho vào hũ sành và để ở nơi mà kiến không thể chui lọt.
Mứt dừa – hương trái miền Tây - Ảnh 1.
Và đương nhiên, người dân miền Tây rất chuộng món mứt dừa. Mứt được làm từ cơm dừa cứng cạy được bào mỏng, rửa sạch và để ráo nước, ướp đường độ một đến hai giờ, rồi đảo liên tục trên chảo, khi nào thấy khô mới mang xuống. Người ta còn cho sầu riêng vào làm cho mứt có mùi thơm nồng nàn, quyến rũ, thật khó lẫn với các loại mứt khác. Mứt dừa không chỉ có màu trắng đặc trưng mà còn thêm màu nâu đen từ cà phê, màu xanh biếc của lá dứa, màu đỏ của gấc, màu tim tím của lá cẩm….
Đặc biệt, ngày xưa ở Nam Bộ có một món mứt rất độc đáo mà chỉ nghe tên thôi chúng ta đã thấy…sợ sợ, nhưng giờ thì còn ít nhà làm. Đó là mứt ớt. Người ta chọn ớt sừng trâu trái to, chín đỏ và sao cho thật ít cay thì càng tốt. Ớt bỏ hột, ngâm trong nước vôi ăn trầu độ hai ngày rồi xả cho sạch. Sau đó, nấu giấm với đường, bột ngọt và cho ớt vào ngâm khoảng mười ngày mới mang đi xả nước mưa nhiều lần. Ớt được tiếp tục trộn với đường, đem đi phơi nắng cho trái săng lại và chắt bỏ nước cay chảy ra từ thân trái. Độ ba ngày sau, người ta sên ớt với đường cho thật kẹo. Sên xong, ớt được bày trong mâm, phơi nắng khoảng mười ngày nữa. Mỗi ngày, người trông phải trở mứt và thoa nước đường chảy ra vào thân ớt cho đến khi mứt khô là hoàn thành. Mứt ớt có màu đỏ thẩm, ăn hơi the the, giòn giòn, rất hấp dẫn.
Mứt dừa – hương trái miền Tây - Ảnh 2.
Thưởng thức mứt tết phải biết cách mới đúng điệu. Ăn mứt thì phải uống trà. Vị mứt ngọt đậm đà nhấp cùng tách trà nóng, vị đắng tạo cảm giác sướng tê cả lưỡi, ấm cả bụng. Lúc đãi khách, các món mứt để trong khay tròn được chia làm nhiều ô, có nhiều màu sắc và hương vị trộn lẫn. Lý tưởng nhất là khay mứt có 8 ô, tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật.